Kỳ giông khổng lồ mới được phát hiện ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Novataxa
Được đặt tên là Andrias jiangxiensis, sinh vật mới là loài kỳ giông khổng lồ duy nhất được biết đến ở Trung Quốc với quần thể thuần chủng, sinh sản tại chỗ về mặt di truyền, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Zoological Research trong tuần này.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Động vật học Côn Minh, Viện Khoa học Giang Tây thuộc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Giang Tây Jiulingshan và các tổ chức khác.
Trong suốt 18 tháng theo dõi thực địa tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Giang Tây Jiulingshan, các nhà khoa học đã ghi nhận hơn 700 cá thể Andrias jiangxiensis, bao gồm cả con trưởng thành, con non và ấu trùng. Phân tích gene cho thấy chúng không trải qua quá trình lai tạo với các loài kỳ giông khổng lồ khác ở bên ngoài, do đó duy trì được độ thuần chủng di truyền.
Theo báo cáo, môi trường sống của Andrias jiangxiensis tương đối cô lập và giới hạn trong diện tích 36 km2. Những thay đổi nhanh chóng của môi trường có thể khiến loài này trở nên nguy cấp, vì vậy cần có một kế hoạch bảo tồn càng sớm càng tốt.
Với chiều dài cơ thể lên tới 2m, kỳ giông khổng lồ (Andrias) là chi động vật lưỡng cư còn sống lớn nhất thế giới. Trước đây, chỉ có ba loài được mô tả trong chi này là kỳ giông khổng lồ Nhật Bản (Andrias japonicus), kỳ giông khổng lồ Trung Quốc (Andrias davidianus) và kỳ giông khổng lồ Nam Trung Quốc (Andrias sligoi), trong đó cả hai loài của Trung Quốc đều bị phân loại “cực kỳ nguy cấp” trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.