Vũ khí dẫn đường
Nguồn tin cho biết, đây là lần đầu tiên Không quân Philippines dùng hỏa lực hạng nặng tấn công các tay súng Maute. Chiến dịch được quân đội thực hiện trong bối cảnh cuộc vây hãm thành phố Marawi đã bước sang ngày thứ 6.
Marawi, thủ phủ tỉnh Lanao del Sur, đảo Mindanao, bị Maute, phiến quân thân IS chiếm đóng từ hôm 23/5.
Tướng Carlito Galvez, tư lệnh Bộ chỉ huy Quân sự vùng Tây Mindanao cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng huy động toàn bộ lực lượng. Mục tiêu chính của cuộc tấn công nhằm xóa bỏ tình trạng vô luật pháp và duy trì ổn định để người dân có thể trở về".
Trực thăng vũ trang W3A-Sokol do Ba Lan sản xuất. |
Vị tướng này cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại đã có 13 binh sĩ, hai cảnh sát thiệt mạng và 51 phiến quân đã bị tiêu diệt trong các cuộc giao tranh. Phiến quân Maute còn giết hại 19 dân thường, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, nâng tổng số người chết sau gần một tuần bất ổn lên ít nhất 85.
Để thực hiện những vụ tấn công vào mục tiêu của phiến quân, người ta đã nhìn thấy trực thăng W3A-Sokol xuất hiện cùng dàn vũ khí dẫn đường. Tuy nhiên, việc trực thăng này tấn công bằng vũ khí nào vẫn không được Philippines tiết lộ.
Nhưng theo Reuters, rất có thể đây là loại tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick cực lợi hại do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, không rõ thương vụ này được thực hiện khi nào với số lượng bao nhiêu. Và nếu thông tin này được xác nhận thì đây sẽ là vũ khí tấn công mặt đất uy lực hàng đầu của Không quân Philippines.
Chính xác "tuyệt đối"
AGM-65 Maverick là một tên lửa không-đối-đất chiến thuật được thiết kế cho nhiệm vụ hỗ trợ cận chiến. Đây là dòng tên lửa dẫn đường chính xác được sản xuất rộng rãi nhất của phương Tây và có hiệu quả chống lại các mục tiêu chiến thuật, bao gồm xe bọc thép, công sự, các hệ thống phòng không, tàu mặt nước, các phương tiện dưới mặt đất và các kho chứa nhiên liệu.
Tên lửa không đối đất AGM-65 có hai loại đầu đạn: một có một ngòi nổ chạm lắp ngay mũi; một đầu đạn hạng nặng trang bị ngòi nổ chậm, dùng dể thâm nhập vào các mục tiêu bằng động năng trước khi nổ.
AGM-65 Maverick có thiết kế theo kiểu mô-đun, cho phép kết hợp giữa các loại đầu đạn và đầu dẫn khác nhau gắn vào phần động cơ tên lửa để sản xuất ra những phiên bản khác nhau. Tổng cộng có 10 phiên bản AGM-65 Maverick, trong đó phiên bản Maverick A đã lỗi thời và không còn sử dụng, Maverick C thì đã hủy trước khi chế tạo.
Tên lửa AGM-65A/B Maverick A/B sử dụng đầu dẫn quang điện tử ban ngày, AGM-65D/F/G Maverick D/F/G sử dụng đầu dẫn hình ảnh hồng ngoại, AGM-65E Maverick E sử dụng đầu dẫn bằng laser bán chủ động và AGM-65H/J/K Maverick H/J/K sử dụng đầu dẫn bằng cảm biến CCD.
Nhà sản xuất Mỹ công bố, độ chính xấc khi diệt mục tiêu của AGM-65 lên tới 90%. Tuy nhiên, hồi tháng 2/2017, một chiếc F-16 của Mỹ đã phóng nhầm quả tên lửa AGM-65 khiến quân nhân nước này thiệt mạng.
Vụ việc xảy ra ở căn cứ không quân Holloman (Holloman airforce base - HAFB), nằm ở bang New Mexico của Mỹ, trong buổi tập bay đêm của 2 máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon.