Phòng xét xử thân thiện tại Hà Tĩnh: Cần được đầu tư tương xứng

(Baohatinh.vn) - Phòng xét xử thân thiện được quy định tại Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của TAND tối cao nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho các bị cáo dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh, việc triển khai mô hình này đang còn nhiều khó khăn.

Phòng xét xử thân thiện tại Hà Tĩnh: Cần được đầu tư tương xứng

Trong phiên xét xử thân thiện, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa sẽ không mặc áo choàng nhằm tạo tâm lý thoải mái cho bị cáo vị thành niên.

Những phiên tòa đầy tính nhân văn

Ngày 11/3/2021, TAND huyện Thạch Hà mở phiên tòa xét xử bị cáo Đ.C.Đ. (SN 2005, trú thôn Hội Cát, trú xã Thạch Long) về tội “Cướp giật tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 14h ngày 9/12/2020, tại địa phận thôn Đông Hà 1 (Thạch Long), Đ.C.Đ. đã sử dụng xe mô tô cướp giật chiếc điện thoại Iphone 7 Plus (gần 4 triệu đồng) của chị V.T.T. (SN 2005, trú xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh). Thời điểm phạm tội, Đ. chưa đủ 16 tuổi.

Thông thường, các bị cáo trong phiên tòa hình sự sẽ phải đứng trước bục khai báo để khai nhận hành vi phạm tội với Hội đồng xét xử (HĐXX). Tuy nhiên, tại phiên tòa thân thiện, Đ.C.Đ. được ngồi cạnh cha mẹ và người bào chữa. Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thành Nhân chỉ mặc trang phục hành chính của TAND (không mặc áo choàng); hai hội thẩm nhân dân tham gia xét xử gồm giáo viên và cán bộ làm công tác đoàn. Những ấn tượng ban đầu đã giúp bị cáo vơi bớt nỗi hoang mang, lo sợ khi bước vào phiên xử.

Với tinh thần thân thiện, cởi mở, trong quá trình thẩm vấn, tranh tụng, HĐXX “trò chuyện” với Đ.C.Đ. về diễn biến hành vi phạm tội. Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển tâm sinh lý của người phạm tội. Đồng thời, chủ tọa phiên tòa và các hội thẩm cũng đã phân tích cho Đ.C.Đ. hiểu về quyền và nghĩa vụ của công dân; tuyên truyền, giáo dục bị cáo ý thức tuân theo pháp luật, ngăn ngừa tái phạm. Kết thúc phiên xử, TAND huyện Thạch Hà tuyên án Đ.C.Đ. mức án 21 tháng tù cho hưởng án treo.

Phòng xét xử thân thiện tại Hà Tĩnh: Cần được đầu tư tương xứng

Thông thường, các bị cáo trong phiên tòa hình sự sẽ phải đứng trước bục khai báo để khai nhận hành vi phạm tội với Hội đồng xét xử. (Ảnh: Bị cáo Đoàn Khắc Cương (SN 1986, trú xã Hương Long, Hương Khê) tại phiên xử sơ thẩm do TAND huyện Thạch Hà mở vào ngày 2/11/2020).

Theo Điều 6, Thông tư 01/2017 của TAND tối cao về phòng xử án, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án đối với gia đình và người chưa thành niên, vị trí của những người tham gia tố tụng phải bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn, tường trong phòng xử án có màu xanh. Những yếu tố này nhằm mục đích giảm không khí căng thẳng, tránh biến động về mặt tâm lý của bị cáo; từ đó, giúp quá trình khai báo chính xác hơn, góp phần bảo đảm chất lượng xét xử.

Đối với hôn nhân, vợ chồng đưa nhau ra tòa đôi khi chỉ vì vài mâu thuẫn nhỏ do thiếu sự nhường nhịn hay vì tự ái cá nhân hoặc do nhiều lý do khác, khi trò chuyện với HĐXX trong phòng xử, mỗi cặp vợ chồng sẽ hiểu hơn để tha thứ cho nhau.

Đặc biệt, tòa có phòng trẻ em giúp giám sát tâm lý trẻ trước phiên tòa. Phòng là nơi quan sát, đánh giá về tâm lý, tình cảm của trẻ em trong những vụ án ly hôn có tranh chấp nuôi con. Nơi đây được bố trí các camera để các chuyên gia tư vấn, thẩm phán có thể theo dõi tâm lý, tâm trạng của các em để quyết định giao con cho ai nuôi sẽ tốt nhất. Phòng được trang trí hài hòa, có phim hoạt hình, có bút màu vẽ tranh và có đồ chơi... tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi, giúp các cháu tự tin bộc lộ cảm xúc.

Đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện phiên tòa thân thiện

Phòng xét xử thân thiện tại Hà Tĩnh: Cần được đầu tư tương xứng

Chánh án TAND huyện Thạch Hà Nguyễn Thành Nhân

Phiên xử thân thiện mang ý nghĩa nhân văn khi hạn chế tối đa hình phạt tù; tạo điều kiện cho các bị cáo vị thành niên có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Tuy vậy, điều khiến Chánh án Nguyễn Thành Nhân băn khoăn là việc bố trí, thiết kế phòng xử án theo đúng tinh thần của TAND tối cao trong hệ thống TAND cấp huyện tại Hà Tĩnh còn khó khăn.

Đây cũng là nỗi trăn trở của Chánh án TAND huyện Nghi Xuân Phạm Huy Bình: “Hiện, TAND huyện Nghi Xuân có 2 hội trường xét xử hình sự và dân sự. Để triển khai phòng xử án thân thiện, đơn vị không đủ kinh phí sắm sửa các trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn. Do vậy, đơn vị chỉ có thể triển khai xét xử thân thiện bằng những việc làm đơn giản như: Chủ tọa phiên tòa không mặc áo choàng, lựa chọn hội thẩm nhân dân là giáo viên và cán bộ đoàn để nắm bắt tâm sinh lý của bị cáo vị thành niên; bị cáo được ngồi cạnh bố mẹ, người bào chữa. Đồng thời, quá trình diễn ra phiên tòa, bên cạnh xét hỏi thông thường, các thành viên HĐXX sẽ nhẹ nhàng trò chuyện, trao đổi với bị cáo”.

Các phiên tòa có bị cáo vị thành niên chiếm khoảng 20% tổng số lượng án tại TAND huyện Kỳ Anh. Chánh án Hoàng Ngọc Tùng chia sẻ: “Việc ra đời của phòng xét xử thân thiện đánh dấu sự thành công của tiến trình cải cách tư pháp. Khi giải quyết, bên cạnh tuân thủ pháp luật, thẩm phán thường chú ý đến yếu tố tâm lý, tình cảm, đạo đức. Yêu cầu đầu tiên của phòng xử án thân thiện là về mặt không gian, phải tạo cảm giác thoải mái”.

Phòng xét xử thân thiện tại Hà Tĩnh: Cần được đầu tư tương xứng

Các vị trí được sắp xếp trong hội trường xét xử dân sự

Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Hà Ngân phân tích: “Thời gian qua, TAND tỉnh đã chỉ đạo hệ thống TAND cấp huyện thực hiện nghiêm túc tinh thần của TAND tối cao. Tuy nhiên, do trụ sở của hệ thống TAND hai cấp tại Hà Tĩnh chủ yếu được xây dựng từ khi mới tái lập tỉnh và được sửa chữa hàng năm. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị cấp huyện chỉ có từ 1 - 2 hội trường xét xử (gồm hội trường dân sự và hội trường hình sự); vì vậy, mỗi khi có bị cáo vị thành niên, cán bộ Tòa án phải di chuyển các trang thiết bị tại hội trường theo mô hình thân thiện.

Trên cơ sở đó, TAND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị TAND tối cao cho phép thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên; đồng thời, đầu tư nguồn kinh phí để hoàn thiện phòng xét xử thân thiện. Ngoài ra, Thẩm phán, hội thẩm nhân dân, người bào chữa… tham gia phiên tòa cần được tăng cường tập huấn chuyên đề để nâng cao kỹ năng xét xử cho người chưa thành niên”.

Chủ đề Tòa tuyên án

Đọc thêm

Tăng gấp đôi hình phạt tiền với 24 tội danh

Tăng gấp đôi hình phạt tiền với 24 tội danh

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự nâng gấp 2 lần hình phạt tiền với 24 tội danh, tập trung vào nhóm tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng...
Người dân đăng ký xe thế nào từ 1/7?

Người dân đăng ký xe thế nào từ 1/7?

Người dân hoặc tổ chức có nhu cầu đăng ký xe ô tô, mô tô, xe máy chuyên dùng có thể được lựa chọn đăng ký xe tại Phòng CSGT hoặc bất cứ công an cấp xã nào trong địa bàn tỉnh, thành phố mà mình đang cư trú hoặc có trụ sở.
Bất an khi trạm điện đầu nguồn Sông Trí "tê liệt"

Bất an khi trạm điện đầu nguồn Sông Trí "tê liệt"

Trạm biến áp Thượng nguồn Sông Trí tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gặp sự cố, hư hỏng từ năm 2023 nhưng đến nay chưa được khắc phục khiến những người làm công tác vận hành hồ chứa gặp nhiều khó khăn.
Khởi tố 40 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương

Khởi tố 40 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương

Chiều 23/6, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn với 40 đối tượng, trong vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương TP Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa.
Học sinh làm thêm dịp hè - "con dao 2 lưỡi"?

Học sinh làm thêm dịp hè - "con dao 2 lưỡi"?

Làm thêm dịp hè giúp các em học sinh Hà Tĩnh có thu nhập, tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích ấy, việc làm thêm cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, nhất là khi các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật.