Vợ chồng cùng làm việc tại thành phố nhưng do chưa có điều kiện làm nhà, 2 năm nay, anh H. (quê ở Can Lộc) cùng vợ và 2 con phải thuê trọ tại phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh. Căn phòng rộng 35 m2, lợp mái tôn, được gia cố chống nóng bằng lớp xốp nhưng mùa hè, cái nóng vẫn phả hầm hập. Mặc dù 2 vợ chồng lắp máy điều hòa nhiệt độ và quạt làm mát nhưng cũng không dám sử dụng thường xuyên vì tiền điện để sử dụng các thiết bị này khá cao so với thu nhập.
Đầu tháng 8 vừa qua, căn phòng của anh cùng 2 phòng khác trong dãy nhà trọ may mắn được dự án “Nghiên cứu các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các khu vực đô thị dễ bị tổn thương tại Việt Nam” khảo sát và triển khai thực hiện sơn chống nóng mái nhà. "Sau 3 ngày, dãy trọ của chúng tôi đã được sơn xong toàn bộ 3 phòng và phần mái trước sân. Cảm nhận rõ ràng nhất là sau khi được hỗ trợ sơn mái nhà từ dự án, nhiệt độ trong nhà giảm đi trông thấy, nhờ đó, mọi sinh hoạt gia đình cũng thoải mái hơn”.
Dự án "Nghiên cứu các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các khu vực đô thị dễ bị tổn thương tại Việt Nam” do Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ), Tổ chức tình nguyện Humasol (Vương quốc Bỉ) và Trường Đại học Hà Tĩnh phối hợp thực hiện để nghiên cứu làm mát cho các ngôi nhà cũng như cho môi trường tại TP Hà Tĩnh và TP Hà Nội.
Dự án tập trung nghiên cứu hiệu quả của việc phủ sơn phản xạ nhiệt, sáng màu lên các mái nhà bằng tôn để giảm sự hấp thụ nhiệt mặt trời vào trong nhà cũng như giảm nóng cho môi trường đô thị. Chủ trì dự án là TS. Ngô Hoàng Ngọc Dũng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), các thành viên tham gia là các giáo sư, nhà khoa học từ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ), Trường Đại học Hà Tĩnh và 3 sinh viên của Trường Đại học KU Leuven đang làm tình nguyện viên của Tổ chức Humasol (Vương quốc Bỉ). Đầu mối phối hợp, hỗ trợ thực hiện dự án tại Hà Tĩnh là Thạc sĩ Biện Văn Quyền (Trường Đại học Hà Tĩnh).
Thời gian thực hiện dự án là 1 năm, từ tháng 5/2024 đến tháng 5/2025, với tổng kinh phí 63.900 EUR (gần 1,8 tỷ đồng). Trong đó, Công ty Sika Việt Nam tài trợ khoảng 1 tấn sơn phản xạ nhiệt để phục vụ nghiên cứu tại Hà Tĩnh.
Thạc sĩ Biện Văn Quyền (Trường Đại học Hà Tĩnh) cho biết: Thời tiết nắng nóng gay gắt ở Hà Tĩnh gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Những đợt nắng nóng kéo dài cùng gió phơn khô – nóng, nhiệt độ bên trong các nhà cũng vì thế mà tăng cao. Các hộ gia đình sẽ dùng điều hòa không khí hoặc quạt mát để làm mát ngôi nhà của mình.
Tuy nhiên, chi phí mua sắm và trả tiền điện để sử dụng các thiết bị này, nhất là máy điều hòa vẫn còn cao với thu nhập của người dân. Hơn nữa, điều hòa không khí là thiết bị tiêu thụ nhiều điện, tỏa nhiều nhiệt và phát thải khí nhà kính ra môi trường; điều này gây lãng phí tài nguyên và làm giảm chất lượng môi trường.
Tại Hà Tĩnh, loại hình nhà mà dự án nghiên cứu thí điểm là các phòng trọ cấp 4, được lợp mái tôn ở TP Hà Tĩnh. Bắt đầu từ tháng 6/2024, các nhà khoa học cùng 3 sinh viên tình nguyện đã thí điểm phủ sơn phản xạ nhiệt và đo nhiệt độ cho một số phòng trọ tại Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, dự án đã giúp 17 hộ gia đình tại Hà Tĩnh cải tạo lại mái tôn bằng cách phủ nhiều lớp sơn chống nóng của hãng SIKA nhằm tăng khả năng chống nóng, làm mát nhà. Tổng diện tích mái tôn được phủ sơn phản xạ nhiệt chống nóng nhờ dự án là gần 1.000 m2. Với định mức kỹ thuật: 1,3 kg sơn/1 m2 mái, cùng với tiền công, tính ra mỗi m2 mái nhà hết khoảng 80.000 đồng.
Thạc sĩ Biện Văn Quyền cho biết: Dự án mong muốn hỗ trợ người dân tại hai thành phố, nhất là các hộ dân có thu nhập không cao có giải pháp chống nóng hiệu quả, tiết kiệm. Qua thời gian triển khai, kết quả đo nhiệt độ bề mặt mái nhà tại một vài khu vực cho thấy, các mái nhà không được phủ sơn phản xạ có thể nóng tới 50 độ C khi trời nắng to, trong khi nhiệt độ bề mặt của các mái nhà có phủ sơn phản xạ thấp hơn từ 2 đến 8 độ C trong cùng điều kiện thời tiết. Dự án đang tiếp tục tìm kiếm thêm các công trình phù hợp trong thời gian tới để thí điểm sơn chống nóng.
Dự án “Nghiên cứu các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các khu vực đô thị dễ bị tổn thương tại Việt Nam” là một trong những dự án đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu giảm nắng nóng bằng cả phương pháp thực nghiệm lẫn dự báo trên máy tính. Đây cũng là dự án có sự phối hợp, tham gia tích cực, chủ động từ cộng đồng người dân Hà Tĩnh để chung tay ứng phó với nắng nóng. Kết quả và hình thức triển khai của dự án hoàn toàn có thể được nhân rộng và áp dụng ở nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng có không khí khắc nghiệt như Hà Tĩnh.