Những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, gia đình ông Nguyễn Quang Lĩnh ở thôn Đăng (xã Thọ Điền) thường xuyên tắm mát cho đàn lợn 60 con vào buổi sáng và chiều muộn.
Ông Lĩnh cho biết, nắng nóng kéo dài đã làm vật nuôi giảm sức ăn, nhất là đàn lợn nái. Ngoài ra, gia đình còn điều chỉnh phần ăn, hạn chế cho ăn vào buổi trưa để đàn lợn phát triển ổn định.
“Trong mùa hè, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, việc làm mát cho đàn lợn là rất cần thiết. Cùng đó, gia đình còn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc để tăng khả năng miễn dịch. Nhờ vậy, đàn lợn của gia đình đang phát triển tốt” - ông Lĩnh chia sẻ.
Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, chị Nguyễn Thị Thực ở thôn Ngân Móc (xã Thọ Điền) đã thực hiện nhiều biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho đàn trâu gồm 8 con của gia đình.
Chị Thực chia sẻ: “Từ đầu mùa nắng nóng, tôi đã chủ động nguồn thức ăn xanh cho trâu, tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn hợp lý để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, tôi không chăn thả và để đàn trâu làm việc dưới thời tiết nắng nóng, nhất là từ 10 giờ đến 15 giờ trong ngày. Thay vào đó, tôi đưa trâu về những khu vực có bóng mát để tránh nắng, có ao để trâu được ngâm mình. Chuồng trại cũng được tôi che chắn lưới đen xung quanh để tạo độ thoáng mát, hạn chế hấp thụ nhiệt trong mùa hè”.
Việc chủ động các biện pháp chống nóng cho đàn hươu cũng được các hộ chăn nuôi ở Hương Sơn chú trọng. Hươu là loài vật nuôi rất nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt khi nhiệt độ lên quá cao, sức khỏe của hươu và sự phát triển lộc nhung sẽ bị ảnh hưởng.
Nuôi hươu hơn 20 năm nay nên chị Võ Thị Linh ở thôn Sông Con (xã Quang Diệm) có khá nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Với thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, chị Linh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp tăng sức đề kháng, chống nóng cho hươu.
Chị Linh cho biết: “Gia đình đang nuôi 16 con hươu, trong đó 3 con đang có lộc nhung. Với loài hươu, đặc biệt là hươu đực thời kỳ ra nhung, nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhung. Vì thế, khi thời tiết bước vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, tôi đã chủ động bổ sung thêm nước cho hươu. Nếu như ngày thường, cho hươu uống nước 1 lần/ngày thì nay phải tăng lên 2-3 lần/ngày.
Ngoài ra, việc bổ sung thêm cỏ voi, cỏ sữa và các loại chất dinh dưỡng khác cũng sẽ góp phần tăng cường sức khỏe cho hươu. Về chuồng trại, cần mát mẻ, thông thoáng và được dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên để chuồng luôn sạch sẽ. Bên cạnh đó, để làm mát cho hươu, từ nhiều năm trước, gia đình đã trồng thêm các loại cây bóng mát xung quanh chuồng trại”.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có gần 240 nghìn con trâu bò, 380 nghìn con lợn, gần 9 triệu con gia cầm và hơn 46 nghìn con hươu.
Thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm sức khỏe, sức đề kháng của vật nuôi và là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh phát sinh như: viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm... Vì vậy, các địa phương cần thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không chăn, thả gia súc vào thời gian nắng nóng trong ngày; nuôi nhốt tại chuồng hoặc tại khu vực có cây xanh, bóng mát; bảo đảm chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; bổ sung thêm nước uống và tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng vitamin C, chất điện giải...
Đối với những trang trại có quy mô lớn, khuyến cáo giảm mật độ chăn nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi. Đối với chuồng kín, phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, đầu tư máy phát điện tránh trường hợp mất điện, cải tạo chuồng nuôi thông thoáng hoặc sử dụng quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng...
Để đảm bảo ổn định hoạt động chăn nuôi trong mùa nắng, ngoài việc quan tâm vệ sinh chuồng trại thoáng mát, đủ thức ăn, nước uống, người dân cần thường xuyên theo dõi tình trạng của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm yếu hoặc bị bệnh để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời, nhất là với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Người chăn nuôi cần chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Khi có gia súc, gia cầm ốm hoặc chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời