Phường Tân Giang - miền đất đậm dấu ấn văn hóa Thành Sen

(Baohatinh.vn) - Tân Giang với sông Cụt, Hào Thành, cầu Vồng, Võ Miếu...(TP Hà Tĩnh) là vùng đất hội tụ khí thiêng với nhiều di sản văn hóa vô giá trường tồn với thời gian.

Phường Tân Giang - miền đất đậm dấu ấn văn hóa Thành Sen

Hào Thành nằm trọn trong địa giới của phường Tân Giang ngày nay vẫn mang vẻ đẹp cổ kính của vùng trung tâm tỉnh lỵ xưa.

Nhắc đến Tân Giang, người ta nghĩ ngay đến miền đất cổ của Thành Sen. Từ thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tỉnh Hà Tĩnh thành lập đã lấy vùng đất Trung Tiết (một phần của phường Thạch Quý và Tân Giang ngày nay) làm trung tâm của tỉnh lỵ. Trải qua 12 năm thực hiện chính sách bỏ tỉnh lập đạo của triều Nguyễn, tỉnh Hà Tĩnh được tái lập (1875) và cho đến thời điểm thành Hà Tĩnh được xây dựng (năm 1881) thì vùng đất Trung Tiết xưa vẫn là nơi đất lành.

Thời điểm đó, phường Tân Giang có tên là phố Tả Môn, một trong 8 phố đầu tiên của thị xã Hà Tĩnh nằm ở khu vực phía Đông của thành. Cùng với quá trình vận hành của lịch sử, những địa danh Hào Thành, sông Cụt, cồn Mít, hồ Dâu, bia dẫn tích Nhà lao Hà Tĩnh… đều mang trong mình những giá trị lịch sử đặc biệt, gắn với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh lỵ Hà Tĩnh từ thời tạo lập cho đến bây giờ. Đây cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như: đền Võ Miếu, Nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh, Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh…

Phường Tân Giang - miền đất đậm dấu ấn văn hóa Thành Sen

Hai bờ con sông Cụt đã được bắc chiếc cầu mang tên địa danh Cầu Vồng trong lịch sử, kết nối mở rộng không gian đô thị trong thời kỳ mới.

Đặc biệt là bên dòng sông Cụt - một trong những trung tâm giao thương bằng đường thủy sôi động của một thời với những sinh hoạt văn hóa, lễ hội đặc sắc. Ở đây đã sản sinh ra nhiều ngành nghề truyền thống như: chài lưới, làm bánh, mộc… thông qua việc giao thương, buôn bán tứ xứ. Cùng với đó, các lễ hội gắn với thờ thành hoàng, lễ hội bơi thuyền, trò chơi dân gian đi cầu kiều, hát ví, giặm… không chỉ thể hiện đời sống sinh hoạt cộng đồng phong phú mà còn kiến tạo nên nét văn hóa của con người Tân Giang.

Ông Hồ Văn Hiếu - nguyên Quyền Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh (năm 1996) nay đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn hăng say đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi phường Tân Giang, ngay bên bờ Bắc con sông Cụt. Một phần vì ông nhận được sự uy tín của bà con nhân dân, lý do khác lớn hơn, chính là ông muốn tiếp tục được cống hiến, xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Phường Tân Giang - miền đất đậm dấu ấn văn hóa Thành Sen

Ngày nay, người dân bên bờ sông Cụt vẫn còn lưu giữ lễ hội truyền thống đua thuyền, tổ chức vào ngày đại đoàn kết toàn dân hàng năm (Ảnh tư liệu).

Ông Hiếu cho biết: “Năm 1993, phường Tân Giang được thành lập trên cơ sở mở rộng địa giới hành chính của một phần phường Thạch Quý, Bắc Hà và Nam Hà. Từ khi còn thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, tôi vẫn thường có thói quen ghi lại tất cả những dấu mốc về sự phát triển của TP Hà Tĩnh và phường Tân Giang. Tôi rất vui là các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm đầu tư, tôn tạo con sông Cụt - biểu tượng văn hóa của phường gắn với việc khôi phục nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống. Vào ngày lễ lớn, dòng sông lại rộn rã tiếng hò reo, náo nhiệt của lễ hội đua thuyền”.

Đứng trên cầu Vồng, tôi hình dung về tuyến giao thương hàng hóa bằng đường thủy nhộn nhịp nhất Thành Sen thời trước. Những chiếc thuyền nâu ngược xuôi về chợ tỉnh, tấp nập “trên bến dưới thuyền”, rồi hướng về hạ lưu, nơi có xóm Vạn Đò ven sông. Có lẽ chính nhờ cảnh sắc hữu tình ấy mà mảnh đất này đã sản sinh ra danh họa Nguyễn Phan Chánh nổi danh trong làng hội họa Việt Nam đầu thế kỷ XX với thể loại tranh lụa độc đáo.

Giờ đây, tuyến giao thương hàng hóa trên sông Cụt không còn nữa, người Tân Giang cũng có nhiều cách để phát triển thương mại, dịch vụ. Nhưng hằng năm vào ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc, người dân lại hội tụ tham gia ngày hội đua thuyền như một lời hẹn ước.

Phường Tân Giang - miền đất đậm dấu ấn văn hóa Thành Sen

Giữ gìn bản sắc văn hóa Thành Sen, người dân Tân Giang hăng hái ra sức xây dựng đô thị văn minh, góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển.

Mảnh đất này còn là cái nôi của dân ca ví, giặm. Năm 2020, tiết mục “Cội nguồn thiêng” đã đạt giải B tại Liên hoan các câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Tân Giang đang bước vào chặng đường mới, ra sức xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh kiểu mẫu. Bên cạnh việc chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế thì việc gìn giữ, phát huy mạch nguồn văn hóa là mục tiêu trọng tâm nhất.

Ông Lê Hữu Hiệp - Chủ tịch UBND phường Tân Giang cho biết: "Hiện nay, phường đã đề xuất với UBND thành phố sớm triển khai dự án nạo vét, nâng cấp Hào Thành; nâng cấp di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Võ Miếu, di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh; nạo vét sông Cụt để vừa xây dựng điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan đô thị và phát huy tối đa giá trị văn hóa - lịch sử của công trình”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).