Cách vệ sinh ghế da ôtô và một số lưu ý khi làm sạch

Sau thời gian dài sử dụng, ghế da ô tô có thể bị bẩn do tiếp xúc với mồ hôi, không khí ẩm... làm giảm tính thẩm mỹ và tuổi thọ của xe. Do đó, người dùng nên tạo thói quen vệ sinh ghế da ôtô 3 - 4 lần/năm.

Các bước vệ sinh ghế da ôtô bị ố bẩn đơn giản

Một số dấu hiệu cho thấy ghế da ôtô cần được làm sạch: Xuất hiện các vết bẩn bám dính trên bề mặt ghế da; da trở nên sẫm màu; bị nấm mốc ở những nơi thường xuyên tiếp xúc với mồ hôi cơ thể.

Xác định được tình trạng của ghế da giúp người dùng đưa ra giải pháp làm sạch phù hợp. Để vệ sinh ghế da ôtô đạt hiệu quả cao, người dùng cần lưu ý thực hiện theo các bước sau:

Chuẩn bị dụng cụ và một số lưu ý trước khi vệ sinh ghế da

Chuẩn bị dụng cụ: Một số dụng cụ trước khi thực hiện cách vệ sinh ghế da xe ôtô bao gồm:

Máy hút bụi.

Miếng vải sợi nhỏ mềm mại.

Bàn chải nhỏ có lông mềm để chà xát các chi tiết nhỏ.

Chai xịt tẩy rửa.

Một số lưu ý trước khi vệ sinh ghế da ôtô:

Người dùng nên lựa chọn dung dịch tẩy rửa phù hợp, không chứa hóa chất để tránh làm hỏng da. Các loại dung dịch như axeton, rượu, dầu mỏ... sẽ giúp cho ghế da luôn giữ được độ mềm mại, dẻo dai và không bị biến dạng, xuống cấp gây mất thẩm mỹ.

Nên chọn loại máy hút bụi ôtô chuyên dụng trang bị bộ lọc HEPA (có khả năng lọc được các hạt bụi nhỏ), hút được chất lỏng, có công suất phù hợp.

Quan sát thật kỹ trước khi vệ sinh để nhận biết và tránh để chất dung dịch làm sạch tiếp xúc với các lỗ hổng hoặc vết rách trên bề mặt da.

Nếu đổ trực tiếp một lượng lớn chất tẩy rửa thấm vào các vị trí này có thể làm cho bề mặt da bị nhăn, thậm chí ảnh hưởng đến độ bền của tấm đệm mút được bọc bên trong. Những phần rách, có lỗ hổng trên bề mặt da, người thực hiện nên sử dụng ít chất tẩy rửa nhằm hạn chế để lại nhiều cặn bẩn sau khi vệ sinh.

Xịt dung dịch vệ sinh lên miếng vải và lau sạch bề mặt thay vì xịt trực tiếp lên ghế để tránh chất lỏng chảy xuống các kẽ hở, gây hại cho da nếu không được làm sạch ngay.

Sử dụng bàn chải lông mềm và khăn sợi nhỏ mềm mại khi vệ sinh ghế da ôtô để tránh làm xước bề mặt hay bị mòn. Người vệ sinh có thể dùng các bàn chải lông đuôi ngựa, tay cầm có đường viền để cầm chắc hơn.

Ưu tiên làm sạch khi còn chất tẩy rửa trên bề mặt ghế để giữ cho ghế da luôn được mềm mại, không bị xước hay thay đổi màu sắc.

Cách vệ sinh ghế da ôtô và một số lưu ý khi làm sạch

Để vệ sinh ghế da ôtô đạt hiệu quả cao, người dùng cần lưu ý thực hiện theo nhiều bước. ảnh: Phong Trần

Các bước thực hiện vệ sinh ghế da

Bước 1: Kiểm tra tình trạng bề mặt ghế trước khi vệ sinh bao gồm các lỗ thủng, vết rách để tránh chất tẩy rửa thấm vào bên trong khiến bề mặt da bị nhăn.

Bước 2: Hút sạch bụi bẩn trên bề mặt ghế ôtô, đặc biệt ở những kẽ hở nhỏ. Chủ xe cần loại bỏ các vết bụi bằng máy hút hoặc máy nén khí để quá trình vệ sinh diễn ra nhanh chóng hơn.

Bước 3: Sử dụng chất tẩy rửa để làm sạch ghế da ôtô, bằng cách xịt dung dịch trực tiếp lên khăn sợi nhỏ và lau ghế. Tiếp theo, người thực hiện lấy bàn chải lông mềm chà nhẹ nhàng để tránh làm hỏng bề mặt da.

Bước 4: Khi thấy lớp da bắt đầu sủi bọt đẩy các chất bẩn lên trên, hãy dùng khăn sợi nhỏ khô để lau sạch hỗn hợp. Tiếp đến, người thực hiện bôi một lớp dầu dưỡng chất lượng cao có độ pH trung tính, không chứa chất chưng cất dầu mỏ, silicon hoặc sáp cho bề mặt ghế. Đây cũng là công đoạn kết thúc quy trình.

Lưu ý khi bảo dưỡng, chăm sóc ghế da ngay tại nhà

Bên cạnh vệ sinh ghế da ôtô, chủ xe cũng nên lưu ý thực hiện một số thói quen tốt sau đây để bảo dưỡng và chăm sóc ghế da thường xuyên, tránh tình trạng ghế da bị bám bẩn, xỉn màu.

Che kính chắn gió để tránh các bức xạ tia cực tím từ ánh sáng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt da, khiến da bị phai màu, dễ nứt và khô.

Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da để giữ độ sáng bóng và độ ẩm, bảo vệ da tránh các tác động từ tia cực tím mặt trời.

Tránh làm rơi thức ăn và nước uống trên xe để giữ cho ghế da sạch sẽ.

Không nên đặt các vật sắc nhọn như chìa khóa, dao bỏ túi, ví kim loại... lên trên ghế da.

Trang bị sẵn bộ dụng cụ vệ sinh trên xe để nhanh chóng xử lý các vết bẩn hoặc chất lỏng bị vấy bẩn lên ghế bất ngờ, tránh để lâu làm hư hỏng bề mặt da.

Theo Laodong

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast