Tiền vệ Sỹ Cường - tấm gương chuyên nghiệp

Trong mắt ban huấn luyện và đồng đội, Sỹ Cường là một tấm gương cả trong cuộc sống và công việc, dù không thuộc hàng sao số.

Sỹ Cường không nề hà nhiệm vụ ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Sỹ Cường không nề hà nhiệm vụ ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Không được xếp vào hàng sao số, trong màu áo Hà Nội T&T cũng như trên bình diện tuyển Việt Nam lúc này, bản thân cũng chẳng mấy bận tâm hay nề hà đến sự hào nhoáng ấy, nhưng trong mắt ban huấn luyện và đồng đội, Sỹ Cường còn có thể là một tấm gương cho tất cả.

“Trong tập luyện, thi đấu, cũng như sinh hoạt đời thường, cảm giác như anh ấy luôn rất thư thái. Nhưng như thế không có nghĩa là Cường thiếu động lực cống hiến và khát vọng chinh phục. Sỹ Cường không bon chen, đua đòi với người và với đời thôi. Cường chỉ tập trung cho công việc của mình”, nhận xét của một đồng đội.

Trận đấu với Turkmenistan, giải bóng đá quốc tế VFF Cup 2012, Sỹ Cường bất ngờ được tung vào sân thế chỗ Tấn Tài và anh đã có những phút chuếnh choáng ban đầu. Dễ hiểu, bởi Sỹ Cường có thể là nhạc trưởng, là lá phổi ở Hà Nội T&T (cũng như Hà Nội ACB hay Hòa Phát trước đây), nhưng trên bình diện đội tuyển, cầu thủ này chưa bao giờ được coi là kép chính. Thế nên, ngoài vài cú quăng mu tầm xa có chủ đích (nhưng bóng đi không trúng mục tiêu), Cường khá nhạt nhòa suốt hơn 60 phút trên sân.

Sỹ Cường đã có chút thất vọng sau trận đấu với Turkmenistan. Phải, một người đàn ông giàu tự trọng thì phải biết buồn, khi không đáp ứng được sự kỳ vọng của ban huấn luyện và của chính mình. “Đã lên đội tuyển, tức là được coi trọng khả năng rồi. Tôi không quan trọng được đá chính hay ngồi dự bị, thậm chí là ngồi khán đài, mà chỉ băn khoăn rằng, nếu được đá chính hay vào sân thay người, mình sẽ làm được gì cho đội bóng hoặc ít nhất có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Thế thôi”, Sỹ Cường đã chia sẻ rất thật.

Ở trận gặp Lào ngay sau đó, Cường lần đầu tiên được cất nhắc đá chính và anh đã tỏa sáng, với ít nhất hai pha kiến tạo dẫn đến bàn thắng. Đầu tiên là cú tỉa bóng sắc như dao cạo để Quang Hải mở tỷ số và cho đến trước khi Thành Lương làm xiếc với trái bóng trong khu vực cấm địa của Lào, để kiếm cho Việt Nam một quả phạt đền, bóng cũng xuất phát từ đôi chân của Cao Sỹ Cường. “Nhãn quan chiến thuật cực tốt và những đường chuyền chết chóc của Sỹ Cường thực sự là của hiếm đấy”, Việt Thắng không tiếc lời khen dành tặng đồng đội đàn em.

Việt Nam tiếp U23 Hàn Quốc trong ngày bế mạc giải, Sỹ Cường ngồi dự bị cả trận, khi HLV Phan Thanh Hùng cần thêm những thử nghiệm tiếp theo. Và Cường cũng hiểu luôn rằng, ngay cả khi Tấn Tài chưa kịp bình phục chấn thương, anh cũng khó thể chen chân vào khu vực vòng tròn trung tâm của tuyển Việt Nam. Nhưng Cường không buồn vì điều đó mà ngược lại. “U23 Hàn Quốc cao to thế, khỏe thế, nhưng chúng ta đã luôn giành thế chủ động. Tôi nghĩ Việt Nam đã có một trận đấu rất hay. Đấy là tín hiệu đáng để lạc quan”, vẫn lời Cường.

Không như Văn Quyết, Thanh Hưng hay Trọng Hoàng, những đồng đội trẻ của Cường trên bình diện tuyển Việt Nam, nhạc trưởng của Hà Nội T&T chơi bóng mà không cần nhiều không gian. Chỉ cần một động tác liếc mắt, Cường có thể chuyền và sút xa không cần nhìn mục tiêu. Nhưng cũng như chính bản tính khiêm tốn của mình, Sỹ Cường không thích được dành tặng quá nhiều những lời khen. Cái anh cần và theo đuổi là sự thừa nhận, dù chỉ trong một pha bóng hay khoảnh khắc nào đó cũng được. Với Sỹ Cường, thế cũng là hạnh phúc rồi.

Sỹ Cường được các đồng nghiệp ở đội tuyển nể phục. Ảnh: Hoàng Hà.

Sỹ Cường được các đồng nghiệp ở đội tuyển nể phục. Ảnh: Hoàng Hà.

Đa số đồng nghiệp, đồng đội vẫn thường chọn cho mình những hình xăm đẹp và ý nghĩa với trào lưu được xem là thời thượng. Có thể là một chiến binh La Mã (như Công Vinh, Hồng Sơn), khẩu hiệu hay kim chỉ nam cho cuộc sống (kiểu Quốc Anh, Duy Nam) hay đơn giản chỉ là tên người thân trong gia đình (Quang Hải, Hồng Sơn)… nhưng hoạ tiết ấn tượng nhất trên cơ thể Cao Sỹ Cường là một con cua càng xanh. Ngoài người thân, dường như không ai hiểu được tại sao và như thế nào, Cường lại xăm hình một con cua, gai góc và ương bướng.

Cường là người kiệm lời. Điều này thì rõ rồi, Cái miệng hay cười, cùng sự tếu táo, giọng nói nhỏ nhẹ của Sỹ Cường chỉ là biểu hiện bề ngoài. Cầu thủ gốc gác Thanh Hóa sống khá nội tâm. Anh gói ghém tình cảm cho gia đình và những người thực sự được xem là chiến hữu, cho cả những chiếc xe môtô khủng mà trong giấc mơ từ tấm bé, Cường vẫn ấp ủ đeo đuổi. Sỹ Cường cũng là người đam mê chụp ảnh và trong một phút ngẫu hứng, với sự ủng hộ của bà xã, Cường đã tậu luôn dàn máy trị giá đến cả trăm triệu đồng, chỉ để chụp… xe và chụp con.

Trong tay Cường lúc này có ít nhất hai chiếc xe dòng Honda CB, với một chiếc hơn 700 phân khối được lôi về từ Tây Nguyên, giao cho bà xã đem vào Sài Gòn “độ” vài ba lần mà vẫn chưa thật ưng ý. Hội chơi xe khủng của Sỹ Cường ở Hà Nội vẫn còn cả chục chiếc chưa “độ”. Cường bảo, đó thực sự là tài sản vô giá. Cùng với Sỹ Cường, Việt Nam còn có thêm Huỳnh Quốc Anh cũng sở hữu thú đam mê xe khủng. Mới đây, đích thân Cường đã thửa cho đàn em một chiếc xe chỉ với giá 15 triệu đồng, đang được “độ” theo dòng Harley Davidson thể thao.

Đã xấp xỉ 30 tuổi đời, kinh qua vài CLB và cũng mấy bận được góp tên trên đội tuyển, thật chẳng có thứ cảm xúc gì Sỹ Cường chưa từng trải qua. Từ Hà Nội ACB, đến Hòa Phát trước đây và Hà Nội T&T bây giờ (nơi Sỹ Cường được biết đến như một một “Xavi Việt Nam” đích thực), với đủ những cung bậc thăng trầm của sự nghiệp, thất bại và thất vọng có, rồi thành công cũng có. Nhưng Sỹ Cường vẫn không khác là mấy, lầm lũi như một con ong thợ và sau những ồn ào của đời sống bóng đá, anh thu mình lại chỉ để được nghe tiếng vợ, tiếng con trong điện thoại.

Ông bố trẻ Cao Sỹ Cường và người vợ cũng trẻ của anh vẫn được ví như Ngưu Lang - Chức Nữ, sống xa nhau hàng ngàn km. Trong khi vợ con vẫn đang ở TP HCM, thì Cường (chơi bóng tại Hà Nội) và cứ đi biền biệt, thế nên mỗi lần có dịp đoàn tụ, khỏi phải nói họ hạnh phúc thế nào. Dự tính cuối năm nay, khi người vợ dọn ổ để sinh nở đứa con thứ hai cho Cường, họ sẽ về Nha Trang, quê của vợ Cường, để tiện việc chăm sóc con cái.

Thể Thao & Văn Hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast