Nghịch lý thủ môn tuyển Việt Nam

Ba thủ môn trong danh sách tuyển Việt Nam tới từ ba đội cuối bảng V.League, trong khi người gác đền của hai đội dẫn đầu không được HLV Park Hang-seo trao cơ hội.

Cầu thủ chơi tốt ở giải quốc nội sẽ có chỗ tại đội tuyển quốc gia. Đó là nguyên tắc quen thuộc áp dụng tại cấp đội tuyển. Nhưng tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo luôn có lý do để không hành động theo nguyên tắc đó.

Nghịch lý thủ môn tuyển Việt Nam

Các thủ môn được ông Park triệu tập đợt này đều đang gặp những vấn đề khác nhau tại cấp CLB. Ảnh: Minh Chiến.

Trong danh sách 37 tuyển thủ Việt Nam hướng tới vòng loại World Cup vào tháng 6, cả 4 thủ môn được triệu tập đều không đạt phong độ cao. Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Văn Phong, Nguyễn Văn Toản lần lượt cùng SLNA, CLB Sài Gòn và Hải Phòng xếp hạng 14, 13 và 12 tại V.League. Người còn lại là Bùi Tấn Trường cùng đội Hà Nội đứng thứ 7, nằm ngoài nhóm đua vô địch. Họ đều có 14 tới 15 bàn thua, đều nằm trong nhóm thủng lưới nhiều nhất giải đấu.

Đương nhiên, thành tích tập thể tệ hại không đến từ lỗi của riêng họ. Nhưng thành tích ấy nói rằng, họ khó lòng mang cảm hứng lớn nhất cùng phong độ cao nhất lên đội tuyển quốc gia.

Ngoài 4 người trên, Đặng Văn Lâm cũng gặp chuyện tương tự. Anh đã không thi đấu chuyên nghiệp trong hơn nửa năm, gặp nhiều vấn đề ngoài sân cỏ tại Thái Lan và Nhật Bản, chưa có cơ hội được đăng ký cho Cerezo Osaka. Lý do Văn Lâm được gọi phần nào giống 4 người trên. Ông Park tin rằng họ có đẳng cấp, thứ đủ để bù đắp lại thiếu hụt về phong độ của họ ở cấp CLB.

Chiều ngược lại, tuyển Việt Nam đã từ chối thủ môn của 2 CLB dẫn đầu, cũng là những thủ môn để thua ít nhất V.League mùa này. HAGL của Huỳnh Tuấn Linh và CLB Viettel của Trần Nguyên Mạnh đang lần lượt đứng nhất, nhì bảng. Họ là những thủ môn để thua ít nhất (9 bàn). Nhưng họ hiếm khi có tên dưới thời Park Hang-seo. Nguyên Mạnh mới một lần được gọi ở King’s Cup 2019, Tuấn Linh thậm chí chưa từng có tên dù thi đấu tại Quảng Ninh hay HAGL.

Khó tìm được lý do chuyên môn giải thích cho sự xuất hiện của các thủ môn khác nhau ở tuyển Việt Nam. Chỉ biết rằng ông Park luôn đề cao yếu tố quen thuộc, hay cách gọi khác là sự phù hợp với triết lý Park Hang-seo. Ngoài Văn Phong, 3 thủ môn còn lại và Văn Lâm đều là những người cũ của ông Park. Văn Hoàng là thành viên lứa Thường Châu, Văn Toản thuộc lứa vô địch SEA Games. Mới mẻ như Tấn Trường cũng có một đợt tập trung cuối năm ngoái và từng bắt chính trong trận giao hữu tại Cẩm Phả.

Nghịch lý thủ môn tuyển Việt Nam

Đội hình tuyển Việt Nam hướng tới vòng loại World Cup 2022 có rất ít gương mặt mới, phần lớn là những con người cũ đã cùng ông Park đi qua nhiều vinh quang. Ảnh: Minh Chiến.

Ba trận vòng loại World Cup sắp tới được xem là thách thức quan trọng nhất của ông Park ở Việt Nam. Giải đấu càng quan trọng thì sự an toàn càng được xem trọng. Muốn an toàn thì lựa chọn phải quen thuộc, muốn quen thuộc thì không gì bằng việc gọi những người mình đã hiểu rõ.

Sự quen thuộc vì thế là điều được nhìn thấy ở mọi tuyến của tuyển Việt Nam. Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Hoàng đang chấn thương vẫn được tin tưởng hơn Nguyễn Hữu Tuấn. Phạm Đức Huy mất vị trí tại CLB vẫn có chỗ ở đội tuyển, Hà Đức Chinh được chọn dù mới ghi 2 bàn sau 12 trận, Nguyễn Anh Đức có tên dù đang chơi ở hạng Nhất.

Trong 37 cái tên được triệu tập, chỉ có 4 người mới là Văn Phong, Lê Văn Xuân, Nguyễn Thanh Bình và Lý Công Hoàng Anh. Ba người sau đều được “cấy” lên từ lứa U22 để phục vụ các kế hoạch dài hạn. Toàn bộ phần còn lại là cầu thủ cũ, hoặc đã khẳng định được trình độ tại nhiều sân chơi lớn, hoặc đã quen mặt ở những đợt tập trung quá khứ.

Đó cũng là lý do CLB Hà Nội sa sút nhưng vẫn đóng góp nhiều nhất cho đội tuyển (10 người). Bởi họ vẫn là những con người tốt nhất, phù hợp nhất. Quan trọng hơn, ông Park tin rằng mình có thể dùng họ theo cách tốt nhất bất chấp những sa sút ở cấp CLB.

Trước cơn sóng lớn, ông đã chọn cách tin vào người cũ, những chàng trai từng cùng ông đi tới đỉnh vinh quang.

Nghịch lý thủ môn tuyển Việt Nam

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast