Xăng, học phí, viện phí sẽ tiếp tục tác động vào CPI tháng 9

Theo cơ quan quản lý giá, tác động từ hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, cộng với học phí, viện phí sẽ là những yếu tố chính tác động đến mặt bằng giá cả của tháng 9/2016.

xang hoc phi vien phi se tiep tuc tac dong vao cpi thang 9

Tác động từ hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, cộng với học phí, viện phí sẽ là những yếu tố chính tác động đến mặt bằng giá cả của tháng 9/2016. Ảnh: H.L

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong tháng 9/2016, sẽ có một số yếu tố tác động gây sức ép tăng nhẹ lên mặt bằng giá cả hàng hóa.

Trong đó, đáng chú ý là tác động của hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 19/8 và ngày 5/9 vừa qua sẽ được tính vào kỳ tính chỉ số giá tháng 9/2016. Đồng thời, một số địa phương tiếp tục lộ trình tăng giá học phí năm học 2016-2017 trong tháng 9/2016.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm, đi lại trong ngày tựu trường của học sinh, sinh viên; nhu cầu vui chơi, giải trí trong dịp nghỉ lễ 2/9 và Rằm Trung thu dự báo sẽ ở mức cao có thể đẩy giá một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng. Giá thực phẩm có thể tiếp tục tăng tại một số tỉnh miền Bắc do hậu quả của cơn bão số 3 gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp tại các địa phương này. Đầu tháng 9/2016 tiếp tục là thời gian cao điểm xảy ra mưa bão có thể gây tăng giá cục bộ một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tại những địa phương bị ảnh hưởng của bão.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có khả năng giảm giá nhẹ trong tháng này như mặt hàng thóc gạo, phân bón, vật liệu xây dựng do nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động bất thường trong tháng.

Trên cơ sở những phân tích trên, cơ quan quản lý giá dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 sẽ tăng nhẹ so với tháng 8/2016.

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8/2016 chỉ tăng 0,1% so với tháng 7/2016, mức tăng thấp hơn đáng kể so với CPI các tháng đầu năm 2016 và là mức tăng tương đối thấp so với mức tăng CPI của tháng 8 trong các năm gần đây.

CPI tháng 8/2016 tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,58% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân tám tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,91%.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8/2016 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ; 8 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2016, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, phản ánh biến động tăng giá chủ yếu do yếu tố chủ quan từ việc tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình thị trường.

Trong đó, viện phí đã được điều chỉnh tăng bước 2 kết cấu thêm chi phí tiền lương vào trong giá, thực hiện từ ngày 12/8/2016 tại 16 địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ trên 85%. Theo Tổng cục Thống kê, tác động của đợt tăng viện phí bước 2 vào CPI tháng 8 là 0,28%.

Về học phí, trong tháng 8/2016 có 9 địa phương điều chỉnh tăng học phí gồm: Hà Nội, Điện Biên, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, góp phần tác động làm CPI nhóm Giáo dục tháng 8/2016 tăng 0,47% so với tháng 7/2016.

Tuy nhiên theo cơ quan thống kê, bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,91%) vẫn tương đối sát với lạm phát cơ bản (tăng 1,81%), điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô./.

Theo Thời báo Tài chính

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast