IFAD Hà Tĩnh thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển

Sau 5 năm triển khai thực hiện trên địa bàn Hà Tĩnh, dự án IFAD Hà Tĩnh (IMPP), thuộc quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế đã góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn phát triển, giải quyết bài toán việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Mục tiêu của Dự án IFAD là hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật giúp Việt Nam xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đồng thời, đưa đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà do dự án IMPP hỗ trợ. Ảnh: Xuân Hòa

Mô hình tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà do dự án IMPP hỗ trợ. Ảnh: Xuân Hòa

Dự án IFAD Việt Nam đã chỉ đạo dự án IFAD Hà Tĩnh (IMPP) bắt tay vào cuộc hỗ trợ tài chính, khoa học kỹ thuật, giúp người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, sản xuất rau an toàn và mô hình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có sự tham gia của người dân (Mosedp).

Giám đốc Ban điều phối dự án IMPP Hà Tĩnh Phan Thành Biển cho biết: “Sau 5 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, IMPP đã đạt được những kết quả nhất định. Gần 100 mô hình phát triển sản xuất theo mô hình doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích trong SX nông nghiệp, phi nông nghiệp với nhiều loại sản phẩm, đối tác khác nhau đã được xây dựng, góp phần cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm hay để triển khai nhân rộng ra các tỉnh, thành khác trong cả nước”.

Ông Mai Khắc Tám, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc cho hay: “Qua kết quả bước đầu đạt được, chúng tôi nhận thấy dự án đã hỗ trợ rất lớn cho ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí; đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất tiểu nông, tự phát, manh mún, không tuân theo quy trình kỹ thuật của người dân; nâng cao vai trò, tách nhiệm của cộng đồng trong xây dựng NTM. Đặc biệt, dự án đã góp phần thiết thực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con trên đơn vị diện tích”.

Còn nông dân Hoàng Thị Huệ, thành viên tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà phấn khởi nói: “Trước đây, khi chưa có dự án IMPP, trên diện tích 2 sào đất trồng lúa bình quân thu nhập chỉ đạt từ 2-2,5 triệu đồng/năm, nhưng nay nhờ mô hình trồng bí của IMPP, hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đã tăng lên hơn 20 triệu đồng. Chúng tôi thấy đây là dự án hết sức ý nghĩa, mang lại hiệu quả rất cao”.

Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, chị Huệ cũng cho biết, lo lắng hiện nay của bà con là việc tìm đầu cho sản phẩm. Ngoài ra, sau khi dự án kết thúc, nguồn lực đầu tư xây mới, mở rộng các mô hình sẽ gặp nhiều khó khăn, mặc dù người dân rất mong muốn tiến tới sản xuất rau theo hướng hàn hoá. Chị Huệ đề nghị các cấp, bộ, ngành Trung ương, các dự án tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ Tượng Sơn xây dựng điểm một mô hình nhà lưới sản xuất rau để từ đó người dân học tập, nhân rộng mô hình.

Ông Henning Pedersen - Trưởng đại diện IFAD Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm: "Đối với Việt Nam, để đưa nông thôn phát triển cần phải có tiềm lực tài chính, lựa chọn nhiều đơn vị doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư vào nông nghiệp để tăng cường sự cạnh tranh; việc hỗ trợ phải được thực hiện cho cả người nông dân và các doanh nghiệp đầu mối; Chính phủ, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các bên tham gia hỗ trợ nông thôn hoạt động thuận lợi".

Phát biểu tại Hội thảo “Bài học kinh nghiệm dự án IFAD Hà Tĩnh trong xây dựng NTM”, vừa được tổ chức tại Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa, nhấn mạnh: “Hà Tĩnh là một trong những tỉnh thực hiện thành công dự án IFAD với nhiều cách làm mới, mô hình hay trong thực tiễn. Những bài học kinh nghiệm này đã đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng NTM của địa phương”.

Từ kinh nghiệm của Hà Tĩnh và những bài học rút ra sau hội thảo, Thứ trưởng đề nghị IFAD sớm hoàn thành sổ tay hướng dẫn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội có sự tham gia của người dân để nhân rộng ra cả nước. Đồng thời, tiếp tục đồng hành với các địa phương xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, dẫn dắt người dân tham gia vào chuỗi giá trị; hình thành nên các mối liên kết, thu hút các nguồn lực; nâng cao chất lượng tuyên truyền, tập huấn bài bản góp phần giúp người dân thay đổi tư duy “giám nghĩ, giám nói, giám làm”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast