Khi lũ đi qua và...cát ở lại

Trận lũ lịch sử vào hồi tháng 10 năm ngoái không chỉ gây thiệt hại lớn đến nhà cửa và các công trình hạ tầng nông thôn ở xã Đức Giang huyện Vũ Quang mà nó còn để lại hậu quả đặc biệt nặng nề trên đồng ruộng. Lũ dữ đi qua người dân nghèo nơi đây đang phải đối mặt với hiện tượng cát xâm lấn đồng ruộng và vùi lấp đất hoa màu khiến cho việc sản xuất gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí nhiều nơi đã gần như bị ngưng trệ.

Cát trắng vùi lấp cánh đồng vàng.

Trước đây cánh đồng Lùng thuộc địa bàn xóm 2 Văn Giang xã Đức Giang mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa. Với địa hình khá bằng phẳng, lại chủ động ngồn nước tưới tiêu nên năng suất, sản lượng lúa ở đây luôn vượt trội hơn so với nhiều nơi khác trên địa bàn xã. Màu mỡ, trù phú là vậy. Song sau trận lũ chồng, lũ kép với sức tàn phá kinh hoàng năm ngoái đã tuồn về đây một khối lượng lớn cát trắng, bao phủ kín cánh đồng. Cát không chỉ xâm lấn, lan rộng về diện tích mà đã vùi lấp, chôn sâu đồng ruộng từ 40-60cm, thậm chí tại nhiều vùng thấp trũng cát còn bồi lấp sâu hơn.

Anh Nguyễn Đình Ái ở xóm 2 Văn Giang nỗ lực đào bới cát để xuống giống vụ đông xuân.
Anh Nguyễn Đình Ái ở xóm 2 Văn Giang nỗ lực đào bới cát để xuống giống vụ đông xuân.

Khoát tay hết chỉ hướng này lại quay sang hướng khác anh Nguyễn Đình Ái ở xóm 2 Văn Giang xót xa cho biết: Gia đình anh hiện có 3 sào ruộng và 2 sào đất hoa màu. Vào những năm trước việc sản xuất diễn ra thuận lợi mỗi năm gia đình anh luôn thu hoạch ổn định trên 7 tạ lúa và gần 1,5 tấn lạc, ngô, khoai lang. Vậy nhưng, sau trận lũ lịch sử giờ đây gần 2 sào ruộng cấy lúa và một số diện tích đất trồng màu đã bị cát bồi lấp hoàn toàn, gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Điển hình là trong vụ sản xuất đông xuân và vụ hè thu vừa qua mặc dù anh đã thực hiện đồng bộ khâu chọn giống, áp dụng tốt các quy trình, kỷ thuật gieo cấy thế nhưng do cát phủ quá dày nên cây lúa không thể sinh trưởng, phát triển dẫn đến mất trắng. Cây lúa đã vậy, còn các loại cây hoa màu cũng không thể khấm khá hơn.

Cát phủ dày khiến cho nhiều diện tích ngô vụ đông ở xã Đức Giang không thể phát triển.
Cát phủ dày khiến cho nhiều diện tích ngô vụ đông ở xã Đức Giang không thể phát triển.

Trên những diện tích bị cát bồi lấp cây lạc, ngô, rau đậu cũng chỉ phát triển èo ọt nên năng suất, sản lượng thấp thua hơn nhiều so với những năm trước. Đồng ruộng bỏ hoang, việc dùng sức người và các biện pháp thủ công để khôi phục, cất bốc những đống cát khổng lồ trả lại độ phì nhiêu là hoàn toàn không thể. Điều đó cũng đồng nghĩa với hôm nay việc sản xuất của gia đình anh đã gần như bị ngưng trệ và hệ lụy kéo theo là cuộc sống, sinh hoạt rồi đến con cái học hành sẽ là cả một chuỗi ngày dài kế tiếp chất chồng bao nỗi trăn trở, lo toan.

Chính quyền xã “Lực bất tòng tâm”.

Ông Nguyễn Minh Vinh- Chủ tịch UBND xã Đức Giang cho biết: Toàn xã hiện có 119 ha đất ruộng và 224 ha đất trồng cây hoa màu. Theo thống kê trận lũ lịch sử năm ngoái toàn xã có 25 ha đất sản xuất bị cát hóa, bồi lấp, trong đó ruộng lúa nước chiếm khoảng 70% diện tích. Để ổn định sản xuất, đời sống cho nhân dân ngay sau khi nước rút cùng với thống kê thiệt hại xã đã tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, đảng viên và bà con tập trung ra đồng nạo vét, cất bốc cát. Trải qua nhiều chiến dịch làm giao thông, thủy lợi vậy nhưng tất cả mọi sự nỗ lực, cố gắng đều không mấy đem lại hiệu quả. Bởi trên thực tế đồng ruộng nơi thì cát phủ quá dày, lại có nơi phải hứng chịu dòng chảy mạnh từ sông Ngàn Sâu tuồn vào cuốn trôi màu mỡ để lại những bãi đất đá nằm trơ trọi, ngổn ngang. Qua nhiều vụ sản xuất nhưng hàng chục ha đất ruộng, đất màu bỏ hoang điều đó không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con mà còn là nguyên nhân làm giảm năng suất, sản lượng lúa, hoa màu bình quân chung của xã.

Sau lũ không ít ruộng lúa ở Đức Giang trở thành cánh đồng cát.
Sau lũ không ít ruộng lúa ở Đức Giang trở thành cánh đồng cát.

Ông Vinh cho biết thêm: Trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách địa phương hạn hẹp việc thuê máy móc để cất bốc, di dời cát giúp nhân dân có tư liệu sản xuất đã gần như vượt quá tầm. Đó là chưa kể đến một hệ lụy mà gần đây từ xã đến thôn xóm đang hết sức loay hoay vì cát xâm lấn đồng ruộng làm cho độ phì nhiêu, màu mỡ trên các xứ đồng khác nhau khiến cho người dân tần ngần, do dự nên việc chuyển đổi ruộng đất vốn dĩ đã chậm lại càng thêm vướng víu. Chính vì vậy cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân xã Đức Giang mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm và sớm có kế hoạch, lộ trình cụ thể giúp đỡ khắc phục tình trạng cát xâm lấn đồng ruộng để nhân dân yên tâm tái đầu tư sản xuất.

Rời những cánh đồng phủ một màu cát trắng ở xã Đức Giang khi vụ sản xuất đông xuân đang cận kề mà lòng tôi cứ nôn nao, thổn thức. Xa xa bóng dáng của những người nông dân nghèo còm cõi vẫn cứ miệt mài bám trụ, miệt mài cuốc xới với ước mong sớm tìm lại cho mình những ruộng lúa, triền ngô xanh tốt. Tôi thầm nghĩ giá như có một dự án hỗ trợ, đầu tư cất bốc cát bằng cơ giới thì chắc chắn họ sẽ không còn phải lầm lũi để rơi rớt những giọt mồ hôi chứa chan bao nỗi nhọc nhằn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast