BHYT theo phương thức định suất (bài 1): “Vòng kim cô” đối với cơ sở khám chữa bệnh ban đầu

(Baohatinh.vn) - Bảo hiểm y tế (BHYT) theo định suất với phương châm giao quyền tự chủ cho các đơn vị khám chữa bệnh (KCB) ban đầu nhưng thực tế chẳng khác gì chiếc vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không. “Câu thần chú” làm đau “thân chủ” chính là việc thanh toán đa tuyến.

BHYT theo phương thức định suất là thanh toán theo định mức chi phí khám, chữa bệnh và mức đóng tính trên mỗi thẻ BHYT được đăng ký tại cơ sở KCB BHYT trong một khoảng thời gian nhất định. Với quỹ BHYT theo định suất, nhiều đơn vị KCB xem đó như “chiếc vòng kim cô”. Nó có hiệu quả trong việc điều chỉnh hành vi thực hiện quỹ BHYT, nhất là chống lạm dụng thuốc và các kỹ thuật y tế không cần thiết... Tuy nhiên, do cơ chế thanh toán đa tuyến (nội tỉnh, ngoại tỉnh, trung ương) nên một số đơn vị KCB gặp khó khăn.

BHYT theo phương thức định suất (bài 1): “Vòng kim cô” đối với cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ảnh 1
Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên phát triển kỹ thuật chuyên sâu để "giữ" bệnh nhân.

Ông Hà Thanh Sơn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Nghi Xuân cho biết: Năm 2011, BVĐK huyện triển khai KCB BHYT theo quỹ định suất với hy vọng khắc phục được những hạn chế do trần BHYT quy định, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Riêng năm 2014, bệnh viện âm quỹ đến 1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do phí bệnh viện tăng và đơn vị phải chi cho bệnh nhân đa tuyến quá lớn (gần 60%), trong đó, số chuyển cho các cơ sở KCB ở Nghệ An chiếm đáng kể. Vì âm quỹ nên bệnh viện phải “chắt bóp” mọi hoạt động, ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh. Bên cạnh đó là nợ tiền thuốc kéo dài, chi trả tiền trực cho cán bộ y tế không kịp thời… buộc bệnh viện phải “xin” quay lại KCB BHYT theo phương thức thanh toán dịch vụ từ đầu năm 2014.

BVĐK Lộc Hà cũng đang đối mặt với những bất cập này. Theo Giám đốc Võ Viết Quang, riêng quý II/2014, bệnh viện quyết toán BHYT cho 13 trạm y tế xã 2,8 tỷ đồng, trong khi đó chuyển cho đa tuyến 4,5 tỷ đồng (nội tỉnh hơn 2,5 tỷ đồng nhưng riêng BVĐK tỉnh 2,3 tỷ đồng). Sau khi quyết toán, bệnh viện phải bù lỗ 400 triệu đồng.

Do âm quỹ BHYT nên hoạt động của BVĐK Lộc Hà đang gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Bệnh viện Võ Viết Quang chia sẻ: Hạn chế lớn nhất của bệnh viện là đội ngũ nhân lực. Đơn vị hiện có 20 bác sỹ, trong đó chỉ có 6 bác sỹ trình độ sau đại học. So với yêu cầu về đề án việc làm, bệnh viện còn thiếu 11 bác sỹ, đó là chưa kể tình trạng thiếu bác sỹ chuyên khoa như cấp cứu, nhi; cử nhân xét nghiệm chưa có… Mặt khác, do khoán quỹ nhưng không có cơ chế quản lý bệnh nhân đa tuyến nên càng khó khăn. Đơn cử, quý II/2014, bệnh viện chỉ cho chuyển tuyến tỉnh 317 trường hợp nhưng khi quyết toán BHYT lại lên tới 1.061 trường hợp được thanh toán đúng tuyến.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến một số đơn vị KCB gặp nhiều khó khăn khi triển khai quỹ BHYT theo định suất. BVĐK Hồng Lĩnh là một trong 2 đơn vị đi đầu thực hiện KCB BHYT theo phương thức này. Tuy nhiên, chỉ được 1 năm, đơn vị phải tìm cách thoát khỏi “chiếc vòng kim cô”. Bệnh viện đã vượt quỹ gần 3,6 tỷ đồng, tương ứng 35% so với quỹ đơn vị được sử dụng. Sau khi làm đủ tờ trình với ý kiến của ngành và xem xét của BHYT, đơn vị được bù lỗ gần 2,4 tỷ đồng; số còn lại phải tự bù lỗ.

Đó cũng chính là câu trả lời vì sao Hà Tĩnh đang trên đà thực hiện lộ trình thanh toán theo định suất nhưng đã có một số đơn vị “xin” được “chệch khỏi đường ray”.

(Còn nữa)

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast