BHYT theo phương thức định suất (bài cuối): Cần bước đi phù hợp

(Baohatinh.vn) - Thông tư liên tịch số 09 của Bộ Y tế nêu rõ: “Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHYT tỉnh chỉ đạo áp dụng thanh toán định suất theo lộ trình phù hợp, đến năm 2011 có ít nhất 30%, đến năm 2013 có ít nhất 60% và đến năm 2015, tất cả các cơ sở y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại địa phương thực hiện phương thức này”. Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh phù hợp.

Bài 1: “Vòng kim cô” đối với cơ sở khám chữa bệnh ban đầu

Bài 2: Khó cho bệnh viện chuyên khoa

Hà Tĩnh là địa phương chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 11/22 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) áp dụng thanh toán theo phương thức định suất. Việc thanh toán theo phương thức này đến nay đã cho thấy những hiệu quả nhất định như: chống lạm dụng thuốc, kỹ thuật xét nghiệm, tiết kiệm chi phí trong quá trình KCB cũng như rút ngắn số ngày điều trị. Nếu làm tốt, các cơ sở KCB còn dư quỹ định suất, được sử dụng như nguồn thu của đơn vị sự nghiệp tối đa khoảng 20%, phần còn lại tính vào quỹ KCB năm sau của đơn vị. Sau 4 năm thực hiện phương thức thanh toán theo định suất, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Kỳ Anh là đơn vị có kết dư nhiều nhất với 19 tỷ đồng, trong đó được sử dụng hơn 16 tỷ đồng, số còn lại chuyển sang năm 2014 và được tính vào quỹ KCB BHYT cho đơn vị.

BHYT theo phương thức định suất (bài cuối): Cần bước đi phù hợp ảnh 1

Trong điều thiếu thốn các thiết bị y học hiện đại, BV ĐK Vũ Quang đã nỗ lực thực hiện xã hội hóa máy siêu âm màu để thu hút bệnh nhân nhưng vẫn không hiệu quả

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, việc khoán KCB theo định suất đang bộc lộ nhiều hạn chế. Trước đây, ngành Y tế và BHXH đã cố gắng nới rộng biên độ thanh toán và giá trị thanh toán BHYT, mang lại cho người dân nhiều cơ hội KCB, giảm gánh nặng chi trả. Tuy nhiên, hiện nay, BHXH đang siết chặt bằng cách để các bệnh viện chủ động tài chính và thanh toán theo định suất. Theo đó, làm tăng nguy cơ các bệnh viện tìm cách cắt xén quyền lợi của người bệnh (giảm số ngày cấp thuốc, cấp thuốc kém chất lượng, hạn chế điều trị nội trú và giảm đến mức thấp nhất số người bệnh chuyển tuyến). Để giảm những chi phí không cần thiết cho quá trình điều trị, bản thân các bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định dùng dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc tên gốc thay thế thuốc biệt dược có tác dụng tương tự mà giá rẻ hơn và những bệnh mãn tính, bệnh nhẹ sẽ được chữa trị có hiệu quả hơn…

Giám đốc BVĐK huyện Thạch Hà - Nguyễn Như Bình chia sẻ: Mặc dù BVĐK Thạch Hà vẫn ổn định được quỹ, có kết dư nhỏ nhưng vẫn mang nỗi lo thường trực về âm quỹ vì không quản lý được bệnh nhân đa tuyến. Riêng 6 tháng đầu năm nay, đơn vị chỉ giới thiệu 300 bệnh nhân lên tuyến trên nhưng đến khi danh sách gửi về để thanh toán là 2.800 trường hợp. Chi phí cho đa tuyến rất lớn, trong khi âm quỹ thì đơn vị KCB ban đầu phải chi trả. Điều này không công bằng với các đơn vị KCB ban đầu, nhất là các đơn vị nằm trong nhóm nguy cơ vỡ quỹ cao (số thẻ ít; tỷ lệ người dân có nhu cầu chăm sóc dịch vụ y tế chất lượng cao lớn; nguồn lực đầu tư cho bệnh viện hạn chế)… và rất dễ tạo nên vòng luẩn quẩn trong chiến lược phát triển.

Trước thực trạng vắng bóng bệnh nhân, BVĐK Vũ Quang nhanh chóng "xin" ra khỏi "đường ray" thực hiện lộ trình BHYT theo phương thức định suất.
Trước thực trạng vắng bóng bệnh nhân, BVĐK Vũ Quang nhanh chóng "xin" ra khỏi "đường ray" thực hiện lộ trình BHYT theo phương thức định suất.

Bác sỹ Võ Viết Quang - Giám đốc BVĐK huyện Lộc Hà cho biết: Với điều kiện như hiện nay, cơ chế này là không thể “sống” nổi. Đa tuyến đang tiêu tiền của cơ sở KCB ban đầu một cách không lường được. Muốn tiếp tục duy trì phương thức thanh toán này, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh phù hợp. Cần có biện pháp kiểm soát bệnh nhân đa tuyến, hoặc nếu vượt quỹ thì Nhà nước phải bù. Có như vậy, bệnh viện tuyến huyện, các cơ sở thực hiện KCB ban đầu mới tự chủ được.

Theo lộ trình đến năm 2015, BHXH Hà Tĩnh sẽ thực hiện khoán định suất với tất cả đơn vị KCB trên địa bàn. Tuy nhiên, với những bất cập mà không ít đơn vị đang phải đối mặt như hiện nay, đòi hỏi ngành Y tế và BHXH phải tìm giải pháp khắc phục kịp thời. Đặc biệt, khi thực hiện hợp đồng khoán quỹ định suất với cơ sở KCB, cần xem xét nhiều yếu tố từ thực tế các đơn vị; đặc thù dân cư của từng vùng, miền… để bảo vệ nguồn quỹ BHYT được bền vững trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho các cơ sở KCB và hơn hết là người bệnh.

Việc khoán định suất sẽ gây khó khăn cho bác sỹ trong quá trình khám và kê đơn thuốc; quỹ BHYT được sử dụng nhưng chỉ khi quyết toán mới biết, khiến đơn vị không chủ động điều tiết được các hoạt động. BHXH cần đưa ra giải pháp phù hợp hơn và trước mắt cần có một cơ quan điều tiết quỹ để kịp thời quyết toán, điều chỉnh kinh phí cho các đơn vị.

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast