Lộc Hà bao giờ được giải khát từ nguồn nước ngọt Sông Nghèn?

Vụ đông xuân năm nay, một lần nữa ngành nông nghiệp Lộc Hà lại phải đối mặt với khó khăn do hạn hán trầm trọng hoành hành. Công trình Ngọt hóa Sông Nghèn được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2008 như một cứu cánh cho sự hồi sinh vùng “tử địa” này. Tuy nhiên, sau nhiều năm mỏi mòn chờ đợi triển khai dự án kênh trục Sông Nghèn, người dân ở đây vẫn hoài cơn khát trong khi cách đó không xa, nguồn nước ngọt mát lành đang thừa thãi.

Chúng tôi về Lộc Hà sau một vụ sản xuất đầy khó khăn và thiệt hại nặng nề do khô hạn. Mấy cơn mưa rào đầu mùa không đủ làm dịu đi quang cảnh xác xơ, khô khốc của những ruộng lúa, đồng màu vừa trải qua một đợt nắng nóng và khô hạn lớn nhất trong mấy năm gần đây.

Sau những tháng ngày lao động vất vả, nhiều cánh đồng lúa của Lộc Hà trở thành bãi chăn bò trong vụ gặt

Sau những tháng ngày lao động vất vả, nhiều cánh đồng lúa của Lộc Hà trở thành bãi chăn bò trong vụ gặt

Lộc Hà có tổng diện tích đất tự nhiên trên 11.500 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 9.000 ha. Trong số 13 xã thì có đến 12 xã không có bất kỳ một nguồn nước thủy lợi nào mà chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Vì vậy sản xuất nông nghiệp của huyện gặp rất nhiều khó khăn.

Hàng năm, hầu hết các xã chỉ làm được một vụ lúa đông xuân nhưng kết quả cũng rất bấp bênh, còn vụ hè thu bỏ trắng. Các loại cây cho củ, quả như lạc, ngô, đậu… cũng thường xuyên bị mất mùa do hạn hán.

Vụ đông xuân 2011 - 2012 được coi là một trong những đợt khô hạn lớn nhất trong những năm gần đây ở Lộc Hà. Toàn huyện có trên 500 ha lúa, trên 100 ha lạc, ngô, đậu và các loại cây màu khác bị chết cháy; các diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng và giảm năng suất trầm trọng, tập trung chủ yếu ở các xã: Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Bằng, Thạch Mỹ...

Điều đáng nói là khi công trình Ngọt hóa sông Nghèn được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2008, phía thượng nguồn đã được hưởng lợi mỹ mãn, còn với hợp phần kênh trục sông Nghèn dẫn nước về huyện Lộc Hà, với dự toán kinh phí lên đến 825 tỷ đồng, bao năm qua vẫn trong tình trạng dự án “treo”. Hy vọng, rồi chuyển thành thất vọng, nước không thấy đâu, chỉ có sự chờ đợi mỏi mòn của chính quyền và người dân địa phương khi càng ngày sản xuất càng khó khăn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Vụ đông xuân 2011 - 2012, xã Mai Phụ có 88 ha lúa, 103 ha lạc, 84,5 ha ngô... Do nắng hạn kéo dài, không có nguồn nước tưới tiêu cùng với chất đất nhiễm phèn, nhiễm mặn đã khiến các loại cây trồng chết hàng loạt. Theo số liệu thống kê của khuyến nông, toàn xã có 44,5 ha lúa, 35 ha ngô và 37 ha lạc bị chết cháy, không có khả năng thu hoạch.

Còn địa bàn xã Thạch Mỹ nằm sát cạnh với Bara Đò Điệm, nhưng cũng là một trong những địa phương bị thiệt hại rất nặng nề bởi hạn hán.

Trong lúc chờ đợi nước từ sông Nghèn, xã Thạch Mỹ tiến hành đào mương tạm để dẫn nước về Đồng Eo và Cồn Chùa

Trong lúc chờ đợi nước từ sông Nghèn, xã Thạch Mỹ tiến hành đào mương tạm để dẫn nước về Đồng Eo và Cồn Chùa

Vụ đông xuân vừa qua, toàn xã có 318 ha lúa và 210 ha lạc, thì diện tích chủ động nước tưới chỉ có 70 ha. Tuy nhiên hệ thống bơm tưới cho diện tích này đã được xây dựng trước khi dự án Ngọt hóa sông Nghèn hoàn thành.

Trong số phần lớn diện tích phụ thuộc nước trời, có khu vục Đồng Eo và Cồn Chùa với tổng diện tích khoảng 100 ha của 5 thôn, chỉ cách bờ Sông Nghèn chưa đầy cây số nhưng thường bị thiệt hại nặng nề do khô hạn.

Cũng vì không chủ động nước, rất nhiều đề án, quy hoạch trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM đã được thực hiện nhưng đành phải “treo” để chờ nước…

Ông Phan Huy Trình ở xóm 7 (Thạch Mỹ) làm hơn 1 mẫu ruộng ở đồng Eo cho biết, sở dĩ nhà ít lao động nhưng phải làm nhiều ruộng như vậy là bởi vì năng suất lúa thấp quá, bình quân chỉ được trên dưới 1 tạ/sào. Đó là tính theo những vụ trước, chứ như năm nay thứ thì chết mất trắng, thứ thì lép xốp do khô hạn, cả 1 mẫu ruộng ông thu về không nổi 1 tấn lúa.

Về phía chính quyền xã, qua nhiều năm chờ đợi nguồn nước từ kênh trục sông Nghèn không có kết quả, hiện xã đang triển khai kế hoạch thi công đào đắp các tuyến kênh tạm dẫn nước về các vùng khó khăn nhất.

Tuy nhiên, theo ông Võ Tá Hiếu - Phó chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ thì làm là phải làm nhưng không dám đầu tư lớn, bởi lỡ khi khi dự án kênh trục được triển khai thì các công trình kênh mương tạm sẽ phải phá bỏ, gây lãng phí tiền của và công sức của nhân dân.

Trong khó khăn, nhiều địa phương của huyện Lộc Hà cũng đã biết thích nghi với hoàn cảnh và bằng nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất thâm canh, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Điển hình như thôn Xuân Dừa (Thạch Bằng), một trong những địa phương đã sớm vượt lên hoàn cảnh, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng thích nghi với điều kiện đất đai và tình trạng thiếu nước triền miên.

Từ năm 2004, được xã tạo điều kiện, thôn đã mạnh dạn quy hoạch và vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích trồng lúa năng suất thấp thành vùng tập trung chuyên canh rau màu hàng hóa với 20 ha trong số 26 ha vùng màu của thôn. Không có nguồn nước, thôn tổ chức đầu tư khoan giếng để chủ động nước tưới.

Với việc quay vòng sản xuất các loại sản phẩm hàng hóa như dưa đỏ giống Thái, các loại rau khác, mỗi năm bình quân cánh đồng rau tập trung của thôn đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.

Bà con thônXuân Dừa (Thạch Bằng) chăm sóc dưa đỏ giống Thái trên cánh đồng chuyên canh rau màu hàng hóa
Bà con thônXuân Dừa (Thạch Bằng) chăm sóc dưa đỏ giống Thái trên cánh đồng chuyên canh rau màu hàng hóa

Ông Đào Ngọc Mỹ - Trưởng thôn Xuân Dừa cho biết: Vụ hè thu này, Thôn đang phối hợp thực hiện thêm mô hình trồng hành lá, qua sự khảo sát cho thấy rất khả quan. Tuy nhiên, nguồn nước giếng khoan hiện tại chưa thể đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước khi thực hiện mô hình sản xuất quy mô lớn như dự định.

Theo ông Ông Trần Quốc Hùng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến nay, tất cả các nội dung chuẩn bị cho việc triển khai thi công công trình kênh trục sông Nghèn đã hoàn tất. Còn vướng mắc chính dẫn đến việc chậm trễ thi công dự án là do nguồn vốn. Mặc dù đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng do trong quá trình thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công nên việc cấp vốn để thi công cho công trình này chưa thể thực hiện được.

Vì vậy, thời gian tới, chính quyền và nhân dân các xã vùng dự án cần tiếp tục triển khai các giải pháp để thích nghi như: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng giảm mạnh diện tích lúa và tăng cường phát triển cây rau màu hàng hóa.

Đối với các xã gần nguồn nước, trước mắt vận động nhân dân tự đào các con kênh tạm dẫn nước; ở các vùng màu, đầu tư khoan giếng lấy nước tưới cho cây trồng… Đây là những giải pháp cần thiết để đảm bảo được năng suất và sản lượng cây trồng trong thời gian chờ đợi tính khả thi của Dự án.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast