Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Sớm xây dựng luật về hoạt động tiếp xúc cử tri

(Baohatinh.vn) - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá hoạt động tiếp xúc cử tri của Quốc hội nhiệm kỳ qua đã được đổi mới mới cả về hình thức lẫn nội dung, mở rộng phạm vi địa bàn, đối tượng cử tri...

Chiều 25/3, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tổ cùng các tỉnh: An Giang, Lào Cai, Bắc Kạn.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Sớm xây dựng luật về hoạt động tiếp xúc cử tri

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tổ cùng các tỉnh: An Giang, Lào Cai, Bắc Kạn.

Phát biểu tại tổ, các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh bày tỏ sự thống nhất cao với các dự thảo báo cáo. Nhiệm kỳ qua, quá trình phát triển đất nước cũng như hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen những khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhìn chung Quốc hội, Chính phủ rất đổi mới, năng động, quyết liệt trong công tác qua đó đã đưa lại nhiều kết quả rất rõ nét đáng ghi nhận trên tất cả các mặt hoạt động.

Các đại biểu cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã có những đổi mới rất rõ nét, đó là chuyển dần từ “tham luận” sang “thảo luận và tranh luận”, “hỏi nhanh, đáp gọn”, hoạt động công khai, minh bach, dân chủ, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hỗ trợ hoạt động.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận hoạt động lập pháp nhiệm kỳ qua đã tích cực nghiên cứu, tham khảo rộng rãi các đạo luật của các nước trên thế giới gắn với tình hình thực tế của đất nước làm cho các luật vừa phù hợp với thông lệ quốc tế vừa sát với thực tiễn;

Các cơ quan soạn thảo, bộ, ngành và trực tiếp là người đứng đầu đã tích cực chủ động vào cuộc hơn, phối hợp nhuần nhuyễn hơn nên được chất lượng, tính đồng bộ, thống nhất của các đạo luật được nâng cao.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Sớm xây dựng luật về hoạt động tiếp xúc cử tri

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận

Tuy vậy, đại biểu cho rằng, công tác tổng kết, đánh giá thi hành pháp luật vẫn chưa thực hiện tốt, chưa tìm ra điểm nghẽn trong quá trình thực thi nên nhiều đạo luật sau khi sửa đổi vẫn tiếp tục bộc lộ hạn chế, nhiều đạo luật còn mang tính kinh điển mà chưa đưa được hơi thở cuộc sống vào trong luật khiến tính khả thi có lúc chưa cao.

Đồng thời, đại biểu băn khoăn khi chương trình xây dựng pháp luật có một số dự án luật rất cấp thiết nhưng đưa vào và đưa ra nhiều lần mà vẫn chưa được ban hành.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng đánh giá cao hoạt động tiếp xúc cử tri của Quốc hội nhiệm kỳ qua đã được đổi mới mới cả về hình thức lẫn nội dung, mở rộng phạm vi địa bàn, đối tượng cử tri, nhất là hình thức tiếp xúc cử tri chuyên đề, tiếp xúc cử tri tận cơ sở, phối hợp tiếp xúc nhiều cấp, vì vậy qua đó đã thu thập nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời.

Tuy vậy, hiện nay, hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn chưa có luật riêng mà đang được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, còn chung chung, chưa có chế định cụ thể xác lập một quy trình rõ ràng, thống nhất, đầy đủ.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế mà báo cáo đã nêu, đại biểu đề nghị Quốc hội khóa XV sớm nghiên cứu, xem xét xây dựng, ban hành Luật Hoạt động tiếp xúc cử tri của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị cần sớm cung cấp cho đại biểu cái nhìn khách quan, đa chiều, thậm chí là đi thực tiễn làm cơ sở trước khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, vì hiện nay, chủ yếu đại biểu quyết định cơ bản chỉ dựa trên báo cáo rất chung chung của cơ quan trình.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cần làm rõ vai trò, nâng cao tính pháp lý và tính độc lập của Hội đồng Thẩm định nhà nước trong việc thẩm định các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng đánh giá hoạt động giám sát nhiệm kỳ này của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng, bức xúc của cuộc sống và ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế như hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội chủ yếu vẫn theo chương trình giám sát của Đoàn; một số yêu cầu tại các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn, báo cáo giám sát chưa được nghiêm túc thực hiện, thiếu chế tài xử lý; việc theo dõi, đôn đốc kiến nghị giám sát cũng chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên;...

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng đặt ra vấn đề về vị thế, địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội trong hệ thống chính trị. Thực tiễn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thời gian qua có những bất cập, cho nên cần làm rõ địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, là cơ quan tổ chức của địa phương hay Trung ương, tổ chức nào lãnh đạo, chỉ đạo quản lý?

Đại biểu đề nghị cần làm rõ đây là một cơ cấu của Quốc hội tại địa phương, là cánh tay nối dài của Quốc hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng văn phòng tham mưu, giúp việc ở địa phương trong một nhiệm kỳ lại thực hiện tách ra, rồi thí điểm hợp nhất, rồi lại tách ra đã ảnh hưởng nhất định đến tính ổn định, tư tưởng, chất lượng, hiệu quả công tác của bộ phận này...

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn tin tưởng rằng với sức mạnh đoàn kết, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với sự quyết tâm, bản lĩnh và trách nhiệm của các vị đại biểu, Quốc hội nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục phát huy, khẳng định vị thế, uy tín, trách nhiệm của mình trước cử tri và Đất nước.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast