Chủ tịch nước: Xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2017, công bố Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp.

chu tich nuoc xet xu nghiem minh cac vu an kinh te tham nhung

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự và chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương khẳng định Tòa án Nhân dân các cấp đã hoàn thành tốt yêu cầu cải cách tư pháp, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, yêu cầu được giao tại các nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án

Năm 2016, tỷ lệ giải quyết vụ việc của các tòa án đạt 93,4% (trong đó, lĩnh vực án hình sự đạt 97%, dân sự đạt 92,5%, hành chính đạt 80%, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án đạt 99,4%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,27%, giảm 0,08% so với năm 2015 (vượt 0,23% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 111/2015/QH13).

Trong công tác xét xử, tòa án các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa, đặc biệt là đã phối hợp với Viện Kiểm sát các cấp tổ chức 3.973 “Phiên tòa rút kinh nghiệm." Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

Các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án dư luận xã hội quan tâm đã được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước, điển hình là một số vụ án “Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi pham quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” như vụ án Phạm Công Danh, Phạm Thị Bích Lương... 95% các trường hợp tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được Viện Kiểm sát chấp nhận; việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định (đạt trên 99%).

Việc khắc phục tình trạng lạm dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các Điều 46, 47 theo yêu cầu Nghị quyết số 63 của Quốc hội được các tòa án thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; khắc phục ngay các trường hợp xét xử sai như vụ án 2 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội cướp giật bánh mỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa án đã triển khai và giải quyết xong nhiều trường họp có đơn kêu oan theo đúng yêu cầu Nghị quyết 69 và Nghị quyết 96 của Quốc hội; xác minh và minh oan cho một số trường hợp được xét xử nhiều năm trước và dư luận rất quan tâm, như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh, vụ ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang; xác minh và kết luận không có oan sai đối với một số vụ việc cụ thể, điển hình là vụ ông Trần Văn Vót ở Hà Nam.

Đối với công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính, số lượng vụ việc các tòa án phải giải quyết tăng 27.038 vụ so với năm 2015, nhưng hầu hết các vụ án đều được đưa ra xét xử trong thời hạn quy định của pháp luật (tỷ lệ quá hạn luật định do lỗi chủ quan của tòa án là 0,02%). Công tác xây dựng pháp luật, tổng kết kinh nghiệm, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật được đặc biệt chú trọng và có nhiều nét mới.

Năm 2017, ngành tòa án đề ra một số chỉ tiêu trọng tâm là đảm bảo 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn theo quy định của pháp luật; tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 95%, dân sự trên 90%, hành chính trên 85%, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án Nhân dân đạt 99%.

Cùng với đó, ngành tòa án phấn đấu đảm bảo tỷ lệ ra quyết định thi hành án hình sự đối với người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đạt 100%; đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra đối với công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh vụ án kinh tế, tham nhũng

Giao nhiệm vụ cho ngành tòa án trong năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành tòa án chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh vụ án kinh tế, tham nhũng; kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới nhằm sớm trừng trị nghiêm khắc kẻ phạm tội, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trước nhân dân trong công tác đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh thẩm phán làm công tác này phải luôn giữ cho mình thật sự liêm chính, chí công, vô tư; phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng, lãng phí. Thông qua mỗi vụ án, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu với Ðảng, Nhà nước và kiến nghị các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành tòa án tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, nỗ lực tổ chức thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ công tác đề ra, nhất là đối với các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác theo các nghị quyết của Quốc hội; gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác với đẩy mạnh thực hiện các nội dung cải cách tư pháp.

Cùng với đó, ngành tòa án cần chú trọng giám sát, thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra trên các lĩnh vực công tác, tập trung vào lĩnh vực giải quyết, xét xử các loại vụ án; tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm xét xử để nâng cao chất lượng và kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu tòa án các cấp cần đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa và tuân thủ các nguyên tắc tư pháp đã được Hiến pháp và pháp luật quy định; tập trung thực hiện tốt chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp, xem xét đầy đủ khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ để bảo đảm phán quyết của tòa án phải chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Tòa án các cấp phải chú trọng công tác xây dựng Đảng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII).

Mỗi cán bộ Tòa án phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”; phải có tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách đầy đủ, chính xác, khách quan; phải rèn phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, bản lĩnh, trí tuệ với tinh thần “Thượng tôn pháp luật."

chu tich nuoc xet xu nghiem minh cac vu an kinh te tham nhungChủ tịch nước Trần Đại Quang trao Quyết định bổ nhiệm cho các thẩm phán cao cấp. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị ngành tòa án đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực tư pháp; tranh thủ các nguồn hỗ trợ quốc tế để tăng cường năng lực mọi mặt của tòa án; chủ động và tích cực tham gia các cơ chế đa phương về tư pháp mà nước ta là thành viên, trước hết là các cơ chế trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN làm chủ đạo... Các bộ, ban, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp với tòa án các cấp trong hoạt động xét xử, giải quyết các loại án, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm chỉnh chấp hành.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao quyết định bổ nhiệm 80 Thẩm phán cao cấp.

Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2017 diễn ra đến hết ngày 14/1.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast