Hương Khê cần xử lý dứt điểm những tồn đọng về tranh chấp, lấn chiếm đất rừng

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (25/10), đoàn giám sát của HĐND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục làm việc với UBND huyện Hương Khê và Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hương Khê về công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2019.

Hương Khê cần xử lý dứt điểm những tồn đọng về tranh chấp, lấn chiếm đất rừng

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền, Trưởng ban Kinh tế ngân sách Trần Viết Hậu chủ trì buổi làm việc với huyện Hương Khê và BQL Rừng phòng hộ Hương Khê.

Hương Khê có hơn 100.000 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, chiếm gần 80% tổng diện tích rừng tự nhiên. Trong giai đoạn 2016 – 2019, huyện đã tập trung chỉ đạo, quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn. Trong đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 317 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Hương Khê cần xử lý dứt điểm những tồn đọng về tranh chấp, lấn chiếm đất rừng

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ báo cáo về công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hương Khê giai đoạn 2016 - 2019

Cụ thể, xử lý hành chính 314 vụ, phạt tiền hơn 953 triệu đồng, tịch thu 603,48m3 gỗ các loại; tịch thu 32 phương tiện gồm xe máy, xe lôi, cưa xăng... Tổng số tiền phạt hành chính và tiền bán phát mãi lâm sản, phương tiện tịch thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, khởi tố hình sự 3 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã; hủy hoại rừng.

Huyện cũng đã tiếp nhận và xử lý 14 đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân về các nội dung liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, phá rừng, giao đất giao rừng, cháy rừng xẩy ra trên địa bàn.

Công tác quy hoạch cũng được huyện quan tâm triển khai thực hiện, từng bước tạo ổn định, khuyến khích việc phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình,, cá nhân trên địa bàn huyện với hơn 13.247 ha/3.763 hộ thuộc 15 xã.

Hương Khê cần xử lý dứt điểm những tồn đọng về tranh chấp, lấn chiếm đất rừng

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trần Văn Thông: Một số tồn đọng trong việc vi phạm lấn chiếm đất rừng trước năm 2013 tồn đọng kéo dài, chủ rừng phải rà soát thật kỹ sau đó đề xuất với huyện để có hướng xử lý dứt điểm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng của huyện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế để phát triển, chưa xây dựng được nhiều mô hình kinh tế trang trại, nông trại kết hợp có hiệu quả. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại một số vùng chưa thực sự bền vững; các hộ đã được giao đất, giao rừng nhưng không có lao động và nguồn lực để phát triển....

Tại buổi làm việc, huyện cũng đã đưa ra một số giải pháp để triển khai hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân bảo vệ phát triển rừng nâng cao thu nhập.

Hương Khê cần xử lý dứt điểm những tồn đọng về tranh chấp, lấn chiếm đất rừng

Trưởng BQL rừng phòng hộ Hương Khê Nguyễn Thượng Hải báo cáo công tác quản lý và bảo vệ rừng thuộc đơn vị quản lý

Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hương Khê quản lý hơn 31.276 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, tổng diện tích đã giao khoán theo các nghị định của Chính phủ là 2.937 ha. Trong giai đoạn 2016 – 2019, không có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm về đất rừng. Riêng trước năm 2013, đang còn hơn 1.271 ha đất rừng bị tranh chấp, lấn chiếm chưa được xử lý dứt điểm.

Trong thời gian qua, BQL rừng phòng hộ tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc với hơn 2.000 lượt. Qua đó, phát hiện, lập biên bản chuyển cơ quan chức năng xử lý 39 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Hương Khê cần xử lý dứt điểm những tồn đọng về tranh chấp, lấn chiếm đất rừng

Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Huyện Hương Khê, BQL rừng phòng hộ Hương Khê cần phải đưa ra giải pháp cụ thể hơn để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế từ rừng nâng cao thu nhập cho người dân.

BQL Rừng phòng hộ Hương Khê cũng đã tổ chức ký hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất với 56 gia đình, 2 tổ chức trên địa bàn đúng quy định, đảm bảo chất lượng. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng được đơn vị quan tâm nên chỉ để xẩy ra 1 vụ cháy rừng.

BQL rừng phòng hộ Hương Khê cũng đưa ra một số khó khăn về lực lượng quản lý, kinh phí quản lý..., đồng thời, đề nghị tỉnh cho đơn vị đặc cách tuyển dụng 15 lao động còn thiếu là cán bộ hợp đồng bảo vệ rừng lâu năm; xem xét cấp giấy CNQSDĐ cho 4 trạm quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn....

Hương Khê cần xử lý dứt điểm những tồn đọng về tranh chấp, lấn chiếm đất rừng

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền ghi nhận những nỗ lực của huyện Hương Khê và BQL rừng phòng hộ Hương Khê trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua.

Tuy nhiên, Hương Khê là địa bàn có diện tích khá lớn nên huyện cần phải tăng cường phối hợp, nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng; trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để giảm thiểu các vụ vi phạm; làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng; tập trung xử lý dứt điểm những tồn đọng kéo dài trong tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trên đại bàn.

Huyện phải xác định rõ chức năng, vai trò, trách nhiệm của các lực lượng để phân cấp cụ thể trong việc quản lý rừng, khai thác rừng.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu huyện và BQL Rừng phòng hộ Hương Khê tiến hành rà soát tổng thể lại hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn để xây dựng các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn. Những trường hợp cấp sai, cấp trùng diện tích đất rừng, mốc ranh giới, giấy CNQSDĐ... cũng phải được xử lý dứt điểm. Việc chuyển đổi cây lâm nghiệp cần phải đánh giá, nghiên cứu phù hợp để phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast