Bất chấp vi phạm, dịch vụ đổi tiền lẻ lấy phí vẫn công khai tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Việc đổi tiền lẻ lấy phí là hành vi vi phạm pháp luật song một số người dân Hà Tĩnh vẫn công khai dịch vụ này, nhất là trên các trang mạng xã hội.

Cận tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu tiền lẻ của người dân tăng đột biến, nhất là tiền mới với các mệnh giá từ 1.000 đồng đến 50.000 đồng để mừng tuổi hoặc dùng để đi lễ chùa đầu xuân.

Thời điểm này, nhiều người đã công khai dịch vụ đổi tiền lấy phí chênh lệch bất chấp đây là hành vi trái pháp luật.

Bất chấp vi phạm, dịch vụ đổi tiền lẻ lấy phí vẫn công khai tại Hà Tĩnh

Công khai quảng cáo đổi tiền lẻ lấy phí trên mạng xã hội dịp cận tết.

Cách đây 3 ngày, tài khoản facebook U.M (huyện Thạch Hà) công khai quảng cáo: Năm nay mẹ Xoài vẫn có tiền cho các bác lỳ xì nha. Chốt sớm… Sau 23 âm lịch bắt đầu giao ạ!

Bất chấp vi phạm, dịch vụ đổi tiền lẻ lấy phí vẫn công khai tại Hà Tĩnh

Sau lời quảng cáo, chủ tài khoản còn đính kèm hình ảnh từng xấp tiền mới có mệnh giá từ 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng. Thông tin này đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Với tài khoản này, nếu đổi 1 triệu đồng tiền chẵn lấy tiền lẻ các mệnh giá như trên, người đổi sẽ mất phí là 70.000 đồng.

Bất chấp vi phạm, dịch vụ đổi tiền lẻ lấy phí vẫn công khai tại Hà Tĩnh

Nhiều khách hàng đến đổi tiền tại VietinBank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh.

Lướt trên các trang mạng xã hội, hiện nay nhan nhản tài khoản rao đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch. Theo tìm hiểu, mức phí đổi dao động từ 5 – 13% tùy vào từng loại mệnh giá tiền. Các chủ tài khoản rao đổi tiền lẻ trên mạng xã hội cũng quảng cáo, việc đổi mệnh giá tiền càng thấp (1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng) thì phí đổi sẽ cao hơn.

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo việc đổi tiền lẻ lấy phí là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy vậy, mỗi dịp tết Nguyên đán, dịch vụ này vẫn ngang nhiên hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh.

Chị P.T.T.H (thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho hay: “Công việc kinh doanh cuối năm bận rộn, tôi không có nhiều thời gian để đi ngân hàng. Với lại sợ cận tết, nhu cầu đổi tiền của người dân tại ngân hàng tăng đột biến, sợ hết tiền lẻ nên tôi lựa chọn dịch vụ đổi tiền lẻ mất phí để được giao tận nhà”.

Bất chấp vi phạm, dịch vụ đổi tiền lẻ lấy phí vẫn công khai tại Hà Tĩnh

Việc đổi tiền lẻ lấy phí là hành vi vi phạm pháp luật.

Năm nay chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ (dưới 10.000 đồng), đồng thời kiểm soát chặt việc đổi tiền lẻ, tiền mới dịp tết Nguyên đán.

Theo lãnh đạo NHNN tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, NHNN tỉnh đã chủ động nắm bắt nhu cầu tiền mặt trên địa bàn. Từ đó, có kế hoạch thu, chi tiền mặt cho các tổ chức tín dụng (TCTD), Kho bạc Nhà nước đảm bảo khoa học, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD nộp, rút tiền mặt, đặc biệt là dịp cao điểm tết Nguyên đán.

Ngoài ra, NHNN đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt với số lượng, cơ cấu các loại mệnh giá tiền đủ điều kiện lưu thông cho các TCTD phục vụ thanh toán, chi trả lương, phục vụ mua - bán hàng hóa dịp tết Nguyên đán và chi tiêu trong đời sống của người dân. Bởi vậy, người dân không nên tìm đến dịch vụ đổi tiền lẻ (có mất phí) trên thị trường. Và việc các tổ chức, cá nhân hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch là hành vi trái pháp luật, cần được xử lý theo quy định của Nhà nước.

Bất chấp vi phạm, dịch vụ đổi tiền lẻ lấy phí vẫn công khai tại Hà Tĩnh

NHNN tỉnh đảm bảo cung ứng đầy đủ tiền mặt với số lượng, cơ cấu các loại mệnh giá cho các TCTD phục vụ thanh toán, mua bán hàng hóa... dịp tết.

Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam đã quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Theo đó, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast