“Quả bom hẹn giờ” ở biển Baltic

Khoảng 300.000 tấn vũ khí thời chiến nguy hiểm đang nằm rải rác dưới đáy biển Baltic, tuyến đường thủy chiến lược kết nối các quốc gia lớn ở châu Âu.

Quả bom hẹn giờ ở biển Baltic

Khoảng 300.000 tấn vũ khí thời chiến nguy hiểm nằm rải rác dưới đáy biển Baltic. Ảnh: DPA

Baltic, tuyến đường thủy chiến lược kết nối các quốc gia lớn ở châu Âu, hiện là một trong những vùng nước bị ô nhiễm nhất trên Trái đất khi lựu đạn, bom, tên lửa chưa nổ và chất hóa học vẫn tồn tại dưới đại dương sau hai cuộc chiến tranh thế giới.

Đổ rác ra biển khi đó được coi là một giải pháp nhanh chóng, an toàn và rẻ tiền để loại bỏ những loại vũ khí không thể sử dụng. Nhiều quả bom, đạn đã bị lực lượng Đồng minh vứt bỏ vào năm 1945 vì họ lo ngại một cuộc nổi dậy du kích ở Đức thời hậu Đức Quốc xã.

Trong một thế kỷ, những vũ khí này đã bị oxy hóa hoặc bào mòn dưới đáy đại dương ở Baltic, từ từ rò rỉ các hóa chất độc hại bao gồm TNT, khí mù tạt, phosgene và asen.

Khi Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevičius gặp những bộ trưởng từ các nước vùng Baltic ở Litva ngày 29/9 để thảo luận về các giải pháp, các chuyên gia nói rằng vấn đề này đã bị lãng quên quá lâu.

Thảm họa sinh thái

Hóa chất thải ra từ đạn dược dưới biển làm thay đổi độ axit và nhiệt độ của nước biển, làm mất ổn định hệ sinh thái, gây ung thư ở nhiều loài. Các chuyên gia lo ngại việc tiêu thụ cá đánh bắt gần những khu vực như vậy có thể dẫn đến tích tụ các chất gây ung thư ở người.

Terrance Long, người sáng lập Diễn đàn Đối thoại Quốc tế về Đạn dưới nước, cho rằng cần có nhiều nhận thức cộng đồng hơn để gây áp lực buộc các chính phủ phải hành động.

Chuyên gia Long nói: "Các loại vũ khí dưới nước đang rò rỉ chất độc gây hại cho hệ sinh thái biển và gây nguy hiểm cho sinh vật biển của chúng ta. Cho dù bạn có phải là người ủng hộ biến đổi khí hậu trung thành hay không thì vấn đề này đều ảnh hưởng đến tất cả mọi người".

Ông giải thích: "TNT trong bom, đạn có thể gây hại cho san hô, đồng thời tạo ra loại chất khiến tảo có hại phát triển. Nhiều loại hóa chất từ vũ khí cũng ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của sinh vật biển và tỷ lệ nở của trứng loài giáp xác. Đó là tình hình ở vùng Baltic ngày nay”.

Mặc dù các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ đã cung cấp bằng chứng ủng hộ những lo ngại như vậy, nhưng các chính trị gia vẫn chần chừ vì gặp khó khăn trong việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với những vũ khí bị lãng quên.

Và trong khi công chúng nhận thức sâu sắc về sự nguy hiểm của ô nhiễm nhựa và vi nhựa trong đại dương, thì vẫn còn rất ít thông tin về mối nguy hiểm của việc vứt bỏ bom, đạn đối với sự an toàn của động vật và con người.

Cần có sự ưu tiên

Các hoạt động công nghiệp vốn có nguy cơ bị cản trở bởi bom đạn như nạo vét, phát triển trang trại gió ngoài khơi và đánh bắt bằng lưới kéo đáy, cũng như lo ngại tội phạm có thể lấy được vũ khí, đã khiến vấn đề này được giới chính trị chú ý.

Đầu năm nay, Đức đã công bố chương trình trị giá 100 triệu euro để thí điểm thu hồi và phá hủy đạn dược.

Sự sụt giảm trữ lượng cá ở vùng Baltic - gây ra bởi các loại chất độc hại từ hóa chất đạn dược, phân bón, chất thải công nghiệp và nước thải - cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành đánh bắt cá và gây áp lực buộc các chính phủ phải hành động. Vào tháng 8 năm nay, Ủy ban châu Âu đã áp đặt giới hạn đánh bắt mới đối với hai loài cá ở vùng Baltic.

Quả bom hẹn giờ ở biển Baltic

Nhiều loại vũ khí, đạn dược đã bị vứt ra biển Baltic trong Chiến tranh Thế giới 2. Ảnh: FT

Tuy nhiên Claus Böttcher, nhà tư vấn độc lập của JPI Oceans, lưu ý: “Nếu chúng ta so sánh hành vi và tuyên bố của các chính phủ, thì có sự khác biệt đáng chú ý. Nhưng trên hết là mức độ hành động thấp”.

Chuyên gia Terrance Long cũng cảm thấy rằng việc các quốc gia không đưa bất kỳ tài liệu tham khảo nào về đạn dược dưới biển vào Công ước về Vũ khí Hóa học cho thấy các chính phủ đang tìm cách “trốn tránh trách nhiệm”.

Các chuyên gia đều cho rằng vũ khí thông thường và vũ khí hóa học cần được xử lý ở mức độ ưu tiên như nhau. Vũ khí cũng cần được giám sát chặt chẽ hơn, vì một số loại có nguy cơ phát nổ do tình trạng không ổn định của hóa chất chứa trong chúng.

Giải pháp công nghệ

Mặc dù vậy, chuyên gia tư vấn Böttcher rằng đã có động lực tích cực trong thập kỷ qua để đạt được sự thay đổi mô hình cần thiết. Các kỹ sư, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và nhà tài chính cuối cùng đã cùng nhau xác định những cách tốt nhất để tiêu hủy vũ khí một cách an toàn.

Những tiến bộ trong công nghệ hàng hải, bao gồm cả việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, đang giúp việc phát hiện và lập bản đồ đạn dược dưới biển trở nên dễ dàng hơn. Một số loại đạn được vô hiệu hóa bằng công nghệ đặc biệt trước khi chúng được đưa ra khỏi đáy biển, trong khi một số khác được thu hồi để kích nổ hoặc tiêu hủy trên đất liền.

Chuyên gia Böttcher nói: “Chúng ta đã phát triển công nghệ chứng minh rằng việc làm sạch đáy đại dương là có thể thực hiện được. Đạn dược có thể nhìn thấy được, hữu hình và có thể được loại bỏ”.

Những giải pháp công nghệ cũng có thể rất quan trọng trong việc làm sạch Biển Đen khi cuộc xung đột ở Ukraine cuối cùng cũng chấm dứt. Mặc dù có rất ít thông tin về việc vứt hoặc loại bỏ đạn dược trong khu vực nhưng các chuyên gia cho rằng các chính phủ phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ để tránh lặp lại thảm họa. Họ hoan nghênh hành động tiềm năng của EU nhưng kêu gọi phản ứng toàn cầu phối hợp đối với vấn đề liên quan đến rất nhiều nơi trên hành tinh.

Chuyên gia Terrance Long đề xuất: “Các lãnh đạo ở vùng Baltic nên xem xét nghiêm túc việc kêu gọi Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị quốc tế về đạn dược dưới nước. Biển Baltic là một phần của cái mà tôi gọi là trái tim và lá phổi của hành tinh. Vì Trái đất là một thể thống nhất, nếu tim và phổi của chúng ta bị bệnh, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta".

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.