Quốc hội khảo sát Luật Giao dịch điện tử tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong quá trình thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ở Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn như: chưa quy định rõ ràng về thông điệp dữ liệu an toàn và chữ ký điện tử an toàn, độ tin tưởng trong việc thực hiện bảo mật thông tin khi giao dịch qua một bên thứ 3 chưa cao...

Sáng 26/7, đoàn công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn dẫn đầu đã đến khảo sát thực tế tại Công ty Điện lực Hà Tĩnh và Viễn thông Hà Tĩnh về thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tham gia làm việc cùng đoàn.

Quốc hội khảo sát Luật Giao dịch điện tử tại Hà Tĩnh

Đoàn làm việc với Công ty Điện lực Hà Tĩnh về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe báo cáo thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Công ty Điện lực Hà Tĩnh. Từ năm 2019 đến nay, công ty đã bắt đầu triển khai công tác ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng theo phương thức điện tử.

Công ty đang thực hiện bán điện cho hơn hơn 460.000 khách hàng; hầu hết đều được thực hiện theo phương thức điện tử (ký kết theo hình thức dùng OTP, chữ ký số điện tử). Qua đó tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Công ty cũng đã tích cực triển khai thực hiện cung cấp tất cả dịch vụ điện theo phương thức điện tử cho khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh với 12 loại hình dịch vụ.

Quốc hội khảo sát Luật Giao dịch điện tử tại Hà Tĩnh

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh Trần Đức Sơn trình bày quá trình thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại công ty.

Tính đến tháng 6/2022, công ty cũng đã ký kết hợp đồng với 11 ngân hàng và 9 tổ chức trung gian để thực hiện quá trình thu hộ tiền điện qua ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Việc thực hiện các giao dịch giữa khách hàng, tổ chức thu hộ và điện lực được công ty thực hiện qua cổng giao dịch thanh toán chung của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, dữ liệu chính xác, bảo mật và an toàn.

Quốc hội khảo sát Luật Giao dịch điện tử tại Hà Tĩnh

Từ năm 2015 đến nay, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã triển khai việc lập hóa đơn điện tử, số lượng hóa đơn tiền điện phát hành hàng tháng khoảng 400.000 cái trên toàn công ty.

Sử dụng hóa đơn điện tử giúp công ty giảm tới 70% các bước quy trình phát hành, 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn.

Quốc hội khảo sát Luật Giao dịch điện tử tại Hà Tĩnh

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Oanh: Quá trình thực hiện tại Công ty Điện lực Hà Tĩnh có những khó khăn đặc thù, nhất là trong việc thực hiện bảo mật thông tin khi giao dịch qua một bên thứ 3 đối với khách hàng.

Đối với Viễn thông Hà Tĩnh, đến nay, 100% văn bản gửi nhận nội bộ sử dụng văn bản điện tử; 100% lãnh đạo và quản lý các phòng ban, đơn vị được cấp chữ ký số điện tử và chứng thực điện tử VNPT CA hoặc Smart CA.

Đơn vị đã đẩy mạnh phong trào thanh toán điện tử, yêu cầu nhân viên sử dụng các hình thức thanh toán điện tử qua VNPT PAY, MY VNPT… Các dịch vụ phổ biến đã thanh toán điện tử như cước viễn thông, hóa đơn điện, nước, phí cầu đường. Hóa đơn cho khách hàng đã 100% sử dụng hóa đơn điện tử.

Quốc hội khảo sát Luật Giao dịch điện tử tại Hà Tĩnh

Phó Giám đốc Viễn thông Hà Tĩnh Trần Xuân Dũng báo cáo hoạt động, khó khăn của đơn vị khi triển khai Luật Giao dịch điện tử tại hội nghị.

Tại buổi làm việc, các đại biểu, đơn vị liên quan đã tập trung thảo luận các khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) như: luật chưa quy định rõ ràng về thông điệp dữ liệu an toàn và chữ ký điện tử an toàn, dẫn đến sự thiếu tin tưởng của các bên khi tham gia giao dịch điện tử; thiếu quy định về định danh, xác thực điện tử, dẫn tới hạn chế trong xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong giao dịch điện tử; khó khăn trong việc thực hiện bảo mật thông tin khi giao dịch qua một bên thứ 3; hệ thống hạ tầng còn thiếu đồng bộ…

Đồng thời, Công ty Điện lực Hà Tĩnh, Viễn Thông Hà Tĩnh cũng đề xuất một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật, quy định chữ ký điện tử và chứng thực chữ kỹ điện tử, quy định định danh và xác thực điện tử, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, độ tin cậy và dịch vụ hỗ trợ giao dịch điện tử… để thuận lợi cho doanh nghiệp, công ty khi thực hiện luật.

Quốc hội khảo sát Luật Giao dịch điện tử tại Hà Tĩnh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đã ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị và sẽ tổng hợp báo cáo với các cơ quan Trung ương có thẩm quyền liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và có những điều chỉnh Luật Giao dịch điện tử.

Chủ đề Chuyển đổi số

Đọc thêm

ĐBQH Hà Tĩnh tham gia góp ý dự thảo Luật Công chứng

ĐBQH Hà Tĩnh tham gia góp ý dự thảo Luật Công chứng

Tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề xuất mở rộng mô hình văn phòng công chứng, tăng cường trách nhiệm công chứng viên.
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.