“Xe chưa qua, nhà không tiếc” - Câu chuyện về lòng dân

(Baohatinh.vn) - Có lần, tôi hỏi ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác Hồ về câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Bác nói trong hoàn cảnh nào? Ông Vũ Kỳ thân mật nói: “Chuyện ở Hà Tĩnh của cậu đó”.

xe chua qua nha khong tiec cau chuyen ve long dan

Rồi ông kể: Hồi chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, sau chiến dịch tết Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc. Khoảng tháng 8/1968, ta có một đoàn xe quân sự chở vũ khí và phương tiện quân sự vào tiếp tế cho chiến trường miền Nam, đang có yêu cầu gấp, đoàn xe gồm 130 chiếc, trong đó có 60 xe chở xăng dầu. Đoàn xe vào đến Can Lộc - Hà Tĩnh thì địch mò ra. Nhưng địch không biết chỗ trú ẩn của đoàn xe cho nên chúng đánh phá ác liệt đoạn đường số I từ xã Tiến Lộc đến Bắc cầu Già, khoảng hơn 1 cây số. Nhất là đoạn đường gần xã Tiến Lộc - nơi có đầm lầy, địch ném bom đánh phá cho mất hẳn đường. Trong khi đó, đoàn xe phải vượt qua đoạn đường ấy chậm nhất là 4h sáng ngày hôm sau để tiếp tục hành trình theo quy định.

Lúc đó, đoạn đường đã hư hỏng quá nặng. Trong lúc đang lúng túng thì Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc nảy ra sáng kiến phải cho vật liệu lót đường trước, rồi mới cho đất đá vào thì đường mới chịu được sức nặng của đoàn xe. Đồng chí đã triệu tập đảng viên họp và yêu cầu dỡ nhà, chặt tre lót đường cho xe qua.

Được Đảng bộ hưởng ứng, Bí thư về dỡ nhà mình trước. Khi dỡ nhà, có người đến hỏi: “Sao ông dỡ nhà?”. Ông trả lời: “Vì miền Nam ruột thịt, vì chiến trường đang thiếu vũ khí chiến đấu, tôi không thể đứng nhìn đoàn xe không qua được”. Ông nói tiếp: “Xe chưa qua nhà mình không tiếc” rồi cho người nhà cùng với bộ đội, TNXP, vác gỗ, tre ra đường để làm nền đường. Lần lượt các đảng viên khác và nhân dân cũng xin đăng ký dỡ nhà, chặt tre của nhà mình chở ra lát đường. Từ 3h chiều cho đến 20h đêm, đường làm xong. Đoàn xe lần lượt vượt qua an toàn trước 4h sáng hôm sau, vượt kế hoạch đã định.

Bộ Quốc phòng báo cáo tình hình với Bác, trong đó có hành động gương mẫu của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc, Bác rất xúc động. Bác nói với Bộ Quốc phòng, Bác gửi lời khen đến nhân dân, cán bộ, bộ đội, TNXP, đặc biệt là bà cụ ngoài 70 tuổi đã hiến cả cỗ ván làm hậu sự của mình để làm đường cho xe qua. Bác có lời biểu dương đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc, trong tình hình nước sôi, lửa bỏng đã dũng cảm, gương mẫu hy sinh vì sự nghiệp lớn.

Hôm sau, họp Bộ Chính trị, Bác đưa tấm gương của nhân dân và cán bộ xã Tiến Lộc nói với Bộ Chính trị. Bác nói: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, nhân dân hai miền Nam, Bắc hy sinh rất lớn. Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với miền Bắc là điên cuồng, làm cho nhân dân ta thiệt hại lớn. Xã Tiến Lộc là một xã nghèo, tài sản lớn nhất của bà con là ba gian nhà để ở, thế mà, vì sự nghiệp lớn của dân tộc, sẵn sàng dỡ đi để làm đường. Mùa này trong khu 4 lại là mùa mưa bão. Đây là một sự hy sinh lớn của cán bộ và nhân dân. Đảng bộ nào mà biết dựa vào dân, biết vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên gương mẫu trước nhân dân để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng như Tiến Lộc, thì chúng ta có một sức mạnh to lớn vô cùng. Dù giặc Mỹ có mạnh đến bao nhiêu cũng sẽ thua. Rồi Bác nói câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sau đó, câu nói ấy Bác nhắc lại ở một số cuộc họp khác”. Nhiều địa phương đã tổ chức học tập tấm gương của xã Tiến Lộc - Hà Tĩnh”.

Câu chuyện ông Vũ Kỳ kể lại đã in sâu trong tâm trí tôi, tưởng như mới xảy ra hôm qua. Đặc biệt, mỗi lần về quê, đi qua xã Tiến Lộc, tôi càng bồi hồi nhớ lại một thời đánh Mỹ, cán bộ và nhân dân đã hy sinh vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Sau 30 năm đổi mới, Tiến Lộc và Hà Tĩnh đã không còn nghèo đói như xưa nữa. Nhưng dấu ấn dỡ nhà làm đường để đánh giặc của nhân dân Tiến Lộc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước sẽ lưu truyền mãi, để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, làm theo.

Thầy thuốc nhân dân, bác sỹ cấp cao

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast