Hòa bình cho Syria vẫn còn xa vời

Nếu không có sự đồng lòng của các bên ở Syria, hy vọng chấm dứt đổ máu vẫn chỉ là hy vọng.

Mười tháng sau khi cuộc đổ máu ở Syria chính thức được công nhận là một cuộc nội chiến theo tuyên bố của Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC), Moscow và Washington cuối cùng đã làm việc cùng nhau (dù mới ở mức ngoại giao) để tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua ở Syria. Kế hoạch tổ chức một hội nghị hòa bình Syria - dự kiến vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ để các bên ở Syria tiếp tục nỗ lực đàm phán nhằm lập ra một chính phủ chuyển tiếp và chấm dứt cuộc nội chiến bằng một giải pháp chính trị.

Trước kế hoạch của Nga và Mỹ, một kế hoạch tương tự được đề xuất tại một hội nghị ở Geneva năm 2012 đã được sự chấp thuận của 2 phe ở Syria cùng nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên kế hoạch này đã nhanh chóng thất bại chỉ trong vài tuần. Dư luận lo ngại rằng kế hoạch của Nga và Mỹ lần này cũng khó đạt được kết quả mong muốn khi chuyên gia hàng đầu của Nga về Trung Đông cho rằng vẫn còn rất nhiều trở ngại đối với tiến trình hòa bình ở Syria.

Binh sĩ phe đối lập Syria trong thị trấn Ras al-Ayn (Ảnh: AFP)

Binh sĩ phe đối lập Syria trong thị trấn Ras al-Ayn (Ảnh: AFP)

Cần sự đồng lòng từ bên trong Syria...

Vladimir Akhmedov, chuyên gia của Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga trao đổi với RIA Novosti cho rằng, tiến trình hòa bình ở Syria đòi hỏi sự từ bỏ quyền lực của chế độ hiện thời, không chỉ Tổng thống Bashar Assad, mà bao gồm cả lãnh đạo các lực lượng quân đội và an ninh của Syria. Điều đó có nghĩa các quan chức trong chính quyền Syria sẽ phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, một hành động khó có thể xảy ra, để đổi lấy cam kết đảm bảo an toàn từ phe đối lập.

Bản thân Tổng thống Syria al-Assad đã từng có những lúc tưởng như bị dồn tới đường cùng do những rạn nứt bên trong nội bộ chính quyền Syria, chiến sự liên miên cùng sức ép không ngừng gia tăng từ bên ngoài, vẫn kiên định không từ bỏ quyền lực cho đến cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2014. Ông tuyên bố rằng, “người Mỹ không có quyền quyết định ai sẽ ra đi và thời điểm sẽ ra đi, mà quyền đó thuộc về nhân dân Syria. Ông cũng nói rõ rằng, “chạy trốn trách nhiệm không phải là cách làm của tôi”.

Boris Dolgov, một chuyên gia cũng thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông cho rằng, để có được sự đồng thuận và nhất trí cao của các bên Syria tại Hội nghị hòa bình sắp tới, những phần tử cực đoan cần phải bị loại ra khỏi phe đối lập. Tuy nhiên đây cũng là một khả năng khó thực hiện bởi hiện tại phái ôn hòa trong phe đối lập đang ở trong thế yếu.

Trong thành phần của lực lượng đối lập Syria, Mặt trận Giải phóng Syria được xem là nhóm có đường lối ôn hòa, dễ thỏa hiệp và đối thoại. Còn những nhóm Hồi giáo vũ trang theo đường lối cứng rắn và rất khó thỏa hiệp như Mặt trận al-Nusra có liên hệ với nhóm khủng bố al-Qaeda hay Mặt trận Hồi giáo Syria thì chỉ muốn ông Assad phải chết và thiết lập lại luật Sharia tại nước này.

Kể từ lúc cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu vào tháng 3/2011 dưới hình thức một phong trào chính trị hòa bình kêu gọi chuyển đổi dân chủ, phái ôn hòa khi đó vẫn đang chiếm ưu thế trong phe đối lập. Ở thời điểm đó, phái ôn hòa có lực lượng đông đảo và mạnh mẽ trong Liên minh quốc gia Syria (SNC), tổ chức được 20 quốc gia phương Tây và Arab (trong đó có Mỹ, Pháp, Đức, Qatar và Saudi Arabia) công nhận là đại diện cho nhân dân Syria.

Tuy nhiên, sau khi cuộc khủng hoảng Syria lan rộng và biến thành cuộc nội chiến đẫm máu, phái ôn hòa trong phe đối lập đã bị mất dần quyền lực vào tay các nhóm Hồi giáo cực đoan chủ chiến.

Do đó, để hội nghị hòa bình Syria diễn ra vào tháng 6 tới đạt được thành công, một yếu tố quan trọng là phái ôn hòa cần phải giành lại được vị thế đáng kể trong phe đối lập. Sẽ không thể có một cuộc đàm phán thành công, nếu thiếu đi sự nhất trí và đồng lòng của các tổ chức đối lập đa dạng ở bên trong SNC.

Quân đội Syria kiểm soát ngôi làng ở phía Tây Dumayna cách thành phố Qusayr do phiến quân chiếm giữ khoảng 7km (Ảnh: AFP)

Quân đội Syria kiểm soát ngôi làng ở phía Tây Dumayna cách thành phố Qusayr do phiến quân chiếm giữ khoảng 7km (Ảnh: AFP)

… và chấm dứt sự can thiệp từ bên ngoài

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những trở ngại ở bên trong Syria. Có bình luận cho rằng tiến trình hòa bình ở Syria chỉ có thể đạt được khi “những kẻ châm lửa đốt trở thành lính cứu hỏa”. Bình luận trên RT cho rằng, triển vọng cho một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria vẫn còn là một con đường dài. Bạo lực sẽ chưa thể chấm dứt một khi các thế lực bên ngoài, được cho là tác nhân thúc đẩy cuộc xung đột, trong đó có Mỹ, không thay đổi hoàn toàn chính sách của mình đối với đất nước này.

Nhiều động thái cho thấy cả Mỹ và Liên minh châu Âu đang hỗ trợ quân nổi dậy Syria từ vũ khí, xe bọc thép cho tới thuốc chữa bệnh và các thiết bị thông tin liên lạc. Việc vũ trang công khai cho kẻ thù của Tổng thống Assad được xem là “kế hoạch B” của phương Tây trong trường hợp các cuộc đàm phán sắp tới thất bại. Chuyên gia Akhmedov cho rằng những động thái đó hoàn toàn không có lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Bài báo trên RT kết luận: Hòa bình sẽ chỉ đến với Syria khi các quốc gia nước ngoài đang đe dọa nó bắt đầu hành động như lính cứu hỏa mà không tiếp thêm dầu vào lửa. Điều đó có nghĩa đã đến lúc các nhóm phiến quân ngừng ngay các hành động bạo lực để đàm phán với chính quyền Damascus. Điều đó cũng có nghĩa là quyền quyết định việc Tổng thống Assad và Đảng Baath có tiếp tục lãnh đạo đất nước Syria nữa hay không phụ thuộc vào ý muốn của người dân Syria chứ không phải người Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Anh, Pháp, Saudi Arabia, Jordan, Israel hay ai khác. Những nước đã dồn rất nhiều thời gian và tiền bạc để lật đổ ông Bashar al-Assad cần phải biết rằng nếu họ không ngừng ngay cách hành xử của mình, tiếp tục phá hoại, gây mất ổn định đối với đất nước Syria, họ sẽ chỉ khiến cho máu của người dân Syria tiếp tục đổ xuống./.

    Theo Thanh Hà/VOV Online (Theo RIA, RT)

    Đọc thêm

    Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast