Các Sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời phối hợp, chia sẻ thông tin và có biện pháp cụ thể để quản lý công dân trên địa bàn đi học ở nước ngoài.
HS-SV tìm kiếm thông tin, cơ hội du học
Ngày 09/02/2017, Bộ GD&ĐT có Văn bản số 370/BGDĐT-ĐTVNN về việc tăng cường công tác quản lý, kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và công dân Việt Nam đi học tập ở nước ngoài, trong đó nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ nhận được phản ánh về sai phạm của một số tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học như cung cấp thông tin quảng cáo không chính xác, quảng cáo không chính xác, thiếu trách nhiệm và có hành vi lừa đảo trong công tác tổ chức đưa người đi học tại nước ngoài, đặc biệt tại địa bàn Nhật Bản.
Đồng thời, theo phản ánh của phía Nhật Bản, hiện có nhiều người Việt Nam được các trung tâm tư vấn du học đưa sang Nhật Bản học tiếng Nhật nhưng sau khi kết thúc chương trình học tiếng Nhật, lưu học sinh không tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục mà đi kiểm việc lầm tại Nhật Bản.
Như vậy, một số trung tâm tư vấn du học đã lợi dụng hoạt động tư vấn du học để đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc (hoạt động xuất khẩu lao động trá hình), vi phạm quy định của Việt Nam và Nhật Bản.
Nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn thực trạng này, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức hướng dẫn, tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến việc công dân ra nước ngoài học tập và lao động; cảnh báo người dân về những thông tin quảng cáo không chính xác về tư vấn du học, đặc biệt là du học tại Nhật Bản; tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi đi học tập và làm việc ở nước ngoài, đâm bảo không vi phạm các quy định của nước sở tại.
Thường xuyên rà soát, tổ chức kiểm tra, thanh tra các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.