Sáng 8/12, Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại thành phố Hà Tĩnh tổ chức hội nghị thảo luận về các nghị quyết trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII. Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng và Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Văn Quý chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. |
Theo kế hoạch, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày (15 - 16/12). Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét dự thảo các báo cáo, tờ trình, nghị quyết về các nội dung quan trọng trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, khoa học - công nghệ, thu chi ngân sách, đánh giá kết quả phát triển KT-XH…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung các dự thảo dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 11. Đồng thời góp ý, trao đổi các vấn đề trọng tâm liên quan đến phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công, dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023.
Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh Trần Thị Thủy Nga góp ý các nội dung liên quan lĩnh vực giáo dục như: bổ sung thêm mức trần học phí đối với trường chất lượng cao, lớp chất lượng cao, hỗ trợ giáo viên học thêm văn bằng 2,…
Các đại biểu cũng đề nghị xem xét, kiến nghị các nội dung liên quan đến chính sách phát triển giáo dục mầm non và phổ thông; văn hóa, thể thao, du lịch; cơ chế huy động, lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn…
Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hà Tĩnh Trần Quang Hưng đề nghị: Cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Tham gia thảo luận, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn TP Hà Tĩnh đã đề nghị tỉnh cần bố trí, bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn; thực hiện tinh giản biên chế phù hợp, nhất là trong ngành giáo dục; có chính sách hỗ trợ xây dựng trường điểm chất lượng cao; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Nguyễn Duy Đức: Đối với lĩnh vực du lịch, chưa có các chính sách thực sự ưu tiên để thu hút các doanh nghiệp lớn.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng cần nâng mức hỗ trợ đối với việc tôn tạo các di tích lịch sử, hoạt động của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các tuyến đường phục vụ sự phát triển và đảm bảo đời sống dân sinh; nâng cao chất lượng đô thị nhằm tăng thu hút đầu tư; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại chỗ cho người dân…
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Hiếu: Cần có nguồn vốn đầu tư nâng cấp bệnh viện trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; sớm hỗ trợ xây dựng đề án thành lập và xây dựng trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, góp ý vào dự thảo các báo cáo, tờ trình, nghị quyết về: kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025); quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công 2022; quy định một số mức chi cho hoạt động xét chọn, tôn vinh danh hiệu Trí thức tiêu biểu tỉnh; nghị quyết phát triển thanh niên tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025; quy định một số chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025…
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại phiên thảo luận.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đã thông tin khái quát về tình hình KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2022; mục tiêu, giải pháp phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2023. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn chung, thu ngân sách đạt cao, thu hút đầu tư tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo.
Với các nội dung trình Kỳ họp thứ 11 sắp tới, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, các chính sách, nghị quyết đưa ra phải được suy xét thấu đáo, kỹ lưỡng, phù hợp thực tiễn để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH toàn tỉnh.
Đối với dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh là cần thiết, tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng các đối tượng được miễn giảm; cân đối nguồn ngân sách để có giải pháp hỗ trợ miễn giảm phù hợp.
Đối với chính sách người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, đây là cánh tay nối dài của hệ thống chính trị, vì vậy, tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới sẽ tiếp tục thảo luận, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các quy định của pháp luật, sát thực tiễn tỉnh nhà.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng làm rõ một số báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết khác dự kiến trình tại kỳ họp. Riêng đối với những đề xuất của thành phố, Tổ đại biểu HĐND tỉnh sẽ tổng hợp, kiến nghị tại kỳ họp sắp tới.
Đối với TP Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị địa phương cần phải bám sát thực hiện nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.
Thành phố tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, mở rộng kết nghĩa với các địa phương trong và nước ngoài; nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn phù hợp với điều kiện; quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà ở xã hội; chuẩn bị chu đáo cho lộ trình mở rộng thành phố từ nay cho đến hết nhiệm kỳ; tính toán kỹ lưỡng đối với việc xây dựng trường chuyên biệt trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Dương Tất Thắng - Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại thành phố đánh giá cao chất lượng, tinh thần góp ý thẳng thắn và tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu đối với nội dung dự thảo các báo cáo, tờ trình, nghị quyết và những vấn đề liên quan đến thành phố.
Các ý kiến, kiến nghị của đại biểu sẽ được tổng hợp gửi lên cấp trên xem xét chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo các nghị quyết trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới.