Chiều 16/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổng Giám đốc Ngân hàng NHCSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó tập trung các chương trình tín dụng chính sách xã hội có liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc NHCSXH tỉnh Lưu Văn Minh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ - Ảnh VGP/Quang Thương
Theo báo cáo của NHCSXH Việt Nam, gần 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã được giải ngân đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, góp phần giúp trên 6,1 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 5,2 triệu lao động...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lưu Văn Minh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Tổng nguồn vốn của NHCSXH hiện đạt 266.157 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 251.200 tỷ đồng với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo - Ảnh VGP/Quang Thương
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH đã phối hợp triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngân hàng đã giải ngân cho vay đối với 1.483 người sử dụng lao động với số tiền 3.753 tỷ đồng để trả lương cho 964.562 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch.
Tại Hà Tĩnh, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh hiện đạt trên 5.240 tỷ đồng với trên 105.000 khách hàng thụ hưởng. Từ 1/1/2021 đến 24/1/2022, NHCSXH Hà Tĩnh đã giải ngân cho 9 người sử dụng lao động số tiền 3.885.210.000 đồng với 1.240 lượt lao động được thụ hưởng theo chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. |
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết số 11) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, ngày 30/01/2022 (gọi tắt là Nghị quyết số 43), NHCSXH đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 11.
Về huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng, NHCSXH đã xây dựng Đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của NHCSXH tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 tối đa là 19.000 tỷ đồng để thực hiện cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11.
Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh giải ngân cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
NHCSXH đã hoàn thành việc xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực hiện các chính sách thuộc chương trình trong 2 năm 2022 - 2023 và từng năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, NHCSXH đã tổ chức hội nghị trực tuyến trong hệ thống, chỉ đạo các giải pháp triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11.
Các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 - Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn cho vay 10.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 7.000 tỷ đồng; - Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 6.800 tỷ đồng... |
Các đại biểu tham gia tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu NHCSXH tiếp tục quan tâm công tác huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11. Khi đã được phê duyệt nguồn vốn, NHCSXH cần phân bổ hài hòa, phù hợp thực tiễn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát chính sách, xây dựng kế hoạch triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11. Lãnh đạo UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp rà soát đối tượng thụ hưởng, tổng hợp nhu cầu vốn vay gắn với kiểm tra, giám sát để việc triển khai các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11 đúng đối tượng, đúng pháp luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chính sách để người dân, doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận; góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch...
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh: Hà Tĩnh là địa phương thực hiện tốt các chương trình tín dụng CSXH, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Có được điều đó ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị có sự đóng góp quan trọng của NHCSXH tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để triển khai tốt Nghị quyết số 11 trên địa bàn. Cùng với thực hiện chương trình này, phải đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ, chương trình tín dụng chính sách khác. NHCSXH tỉnh và các đơn vị liên quan cần rà soát kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện tốt gắn với công tác kiểm tra giám sát, đảm bảo đúng quy định pháp luật, đúng đối tượng. |