Robert Mugabe - từ anh hùng tới độc tài

Nắm giữ quyền lực từ năm 1980 với 7 năm làm thủ tướng và 30 năm trên ghế tổng thống, Mugabe đã đem lại tất cả cho người Zimbabwe, ngoại trừ sự an toàn và phát triển.

Nhưng "triều đại" 40 năm của Mugabe đã kết thúc chỉ trong vòng một tuần sau biến cố. Nhà lãnh đạo 93 tuổi đã bị cách chức chủ tịch đảng cầm quyền, chấp nhận các yêu cầu từ chức của quân đội để bảo đảm sự an nguy của gia đình.

40 năm nhanh như một cái chớp mắt, đủ để những thế hệ mới của đảng ZANU-PF, đứa con tinh thần của ông Mugabe, lớn lên, chứng kiến và thấu hiểu. Ngoài kia, đâu đó trong trụ sở ZANU-PF, tiếng sâm banh đang chen vào những tràng pháo tay....

robert mugabe tu anh hung toi doc tai

Các thành viên trong đảng ZANU-PF ăn mừng sau khi ông Mugabe bị phế truất chức chủ tịch đảng ngày 19-11- Ảnh: REUTERS

Chiến binh của tự do

Máu cách mạng không tồn tại sẵn trong con người của cậu trai trẻ Mugabe. Ước mơ của chàng trai lúc đó thật giản dị: trở thành một ông giáo. Cái nghiệp ấy đã đi cùng Mugabe suốt 15 năm ở nước ngoài.

Mọi chuyện thay đổi khi Mugabe cùng người vợ đầu trở về Zimbabawe (lúc này được gọi là Nam Rhodesia và là một thuộc địa của Anh) năm 1960. Leopold Takawira, một người bạn chí thân của Mugabe và mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, đã bị bắt vì có các hành động cực đoan chống lại chính quyền thuộc địa.

Ông giáo Mugabe đã quyết định xuống đường, cùng hơn 7.000 người đi đến dinh Thủ tướng để phản đối việc bạn thân bị bắt giữ. Cây thước và viên phấn bị bỏ lại phía sau, Mugabe đã trở thành một chiến binh của tự do với cây súng trên tay kể từ đó.

robert mugabe tu anh hung toi doc tai

Ông giáo Mugabe sau khi được phóng thích tại một hội nghị quốc tế về Nam Rhodesia năm 1974 ở Thụy Sĩ - Ảnh: AP

10 năm bị giam cầm trong ngục tù đã giúp Mugabe, với bản lĩnh và học vấn cao, trở thành một biểu tượng của cuộc đấu tranh giành tự do không khoan nhượng cho Zimbabwe.

Theo trang History, trong thời gian ở tù, Mugabe vẫn tiếp tục học, lấy một vài bằng cấp của Đại học London và dạy tiếng Anh cho những người bạn trong tù.

Năm 1977, ba năm sau khi được phóng thích, Mugabe trở thành người đứng đầu Liên minh dân tộc Phi Zimbabwe (ZANU), tiền đề để ông bước vào cuộc bầu cử đầu tiên của Zimbabwe độc lập năm 1980.

robert mugabe tu anh hung toi doc tai

Thủ tướng Robert Mugabe phát biểu tại hội nghị của Phong trào không liên kết năm 1986 - Ảnh: AFP

Mugabe đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn - kêu gọi hòa giải với người Zimbabwe da trắng, cải thiện việc tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho tất cả mọi người.

Mugabe, khi đó đã là thủ tướng, đã cam đoan và thuyết phục 200.000 người da trắng ở lại đất nước vừa độc lập của ông. Nền nông nghiêp của Zimbawe khi ấy là niềm mơ ước của toàn châu Phi và nằm trong tay các ông chủ da trắng. Nhưng những chính sách ban đầu của Mugabe đã nhanh chóng bị lu mờ bởi những điều xảy ra tiếp theo.

Mugabe đã hủy hoại Zimbabwe như thế nào?

Zimbabwe một ngày năm 2016, đường phố thủ đô Harare đông đúc lạ thường, nhiều hàng dài người xếp hàng tại bên ngoài các ngân hàng hoặc các điểm rút tiền, mệt mỏi nhưng hi vọng có thể lấy được tiền mặt.

robert mugabe tu anh hung toi doc tai

Hàng dài người xếp hàng rút tiền tại thủ đô Harare - Ảnh: REUTERS

Họ đã quá sợ với những chính sách kinh tế của nhà lãnh đạo 92 tuổi. Năm ấy, Tổng thống Mugabe đưa ra chính sách kinh tế mới, in giấy bạc mới và tuyên bố nó có giá trị ngang đồng đôla Mỹ…

Zimbabwe đã từng có những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, một ngành nông nghiệp phát triển bùng nổ và nguồn vốn con người dồi dào, nhưng trong suốt 37 năm qua, Mugabe đã làm phung phí gần như toàn bộ những nguồn lực đó. Gần một phần tư người dân Zimbabwe đang cần hỗ trợ lương thực và 72% trong số họ sống trong nghèo đói.

Sai lầm nghiêm trọng nhất của Mugabe đã diễn ra vào năm 2000, khi ông tiến hành cải cách ruộng đất "nhanh chóng" và khuyến khích việc tiếp quản một cách bạo lực các trang trại của người da trắng, khi đó vốn là xương sống của ngành nông nghiệp nước này.

Phần lớn đất đai bị tịch thu được giao cho những nông dân da đen thiếu kinh nghiệm về hoạt động nông nghiệp hiện đại; nhiều người trong số họ được lựa chọn trên cơ sở mối quan hệ của họ với ông Mugabe và đảng của ông, Đảng Mặt trận Yêu nước Châu Phi Zimbabwe (ZANU-PF).

Các trang trại của Zimbabwe, cho đến lúc đó vẫn là điều ao ước của khu vực và là nguồn lực chính cho doanh thu xuất khẩu của nước này, bất ngờ trở nên sa sút – và đã khiến toàn bộ nền kinh tế bị sốc.

robert mugabe tu anh hung toi doc tai

Cuộc tháo chạy của những người Zimbabwe da trắng đã dẫn tới sự nổi giận và cô lập của phương Tây - Ảnh: CNN

Tình hình tài chính vốn đã căng thẳng, với việc ông Mugabe kéo Zimbabwe dính líu vào cuộc nội chiến ở Congo. Ngân hàng trung ương của ông bắt đầu in tiền nhanh hơn để trả nợ và bồi thường cho các cựu chiến binh, đối tượng được xem là một trụ cột quan trọng trong chính sách hỗ trợ của ông Mugabe, và để bù đắp cho mức giá cao hơn gây ra bởi sự thất bại của các trang trại.

Mọi thứ nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tại một thời điểm trong năm 2008, tỷ lệ lạm phát lên tới 231.000.000%. Các tờ giấy bạc chỉ thấy toàn số 0, một tờ 100 nghìn tỷ đôla Zimbabwe nhưng chỉ tương đương 40 xu Mỹ vào lúc nó bị sụp đổ.

robert mugabe tu anh hung toi doc tai

Năm 2008, Zimbabwe trở thành đất nước nhiều tỷ phú nhất thế giới - Ảnh chụp màn hình

Chương trình cải cách ruộng đất của ông Mugabe đã gây ra làn sóng di tản của người da trắng, khiến phương Tây phẫn nỗ, đẩy tình hình nội bộ Zimbabwe rơi vào bất ổn. Các phe phái đối lập lợi dụng tình hình kích động bạo loạn, bãi công, phản đối chính quyền, đòi Tổng Thống Mugabe từ chức.

Bất chấp tất cả, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng 2008, ông Mugabe tuyên bố "chỉ có Chúa" mới có thể hạ bệ ông…

robert mugabe tu anh hung toi doc tai

Họa từ trong nhà

Việc ông Mugabe sa thải phó tổng thống Emmerson Mnangagwa cùng các động thái dọn đường cho bà Grace Mugabe – vợ ông, lên nắm quyền đã vấp phải sự phản đối của quân đội và họ đã quyết định hành động.

Quân đội khẳng định đây không phải là cuộc đảo chính, mà là cuộc thanh lọc những bè lũ đã hủy hoại Zimbabwe.

Lối tiêu xài hoang phí, tham vọng chính trị ngày càng bộc lộ rõ ràng, người phụ nữ này đang ngày càng trở thành tâm điểm của sự chỉ trích cả trong lẫn ngoài nước.

Phương tây hay gọi bà đệ nhất phu nhân của Zimbabwe bằng "Gucci Grace" để chỉ sự mát tay xài tiền, hay "Dis-Grace", một cách chơi chữ có nghĩa "nhục nhã" để gọi người phụ nữ này.

Là vợ thứ hai của ông Mugabe, trong lúc phần lớn người dân Zimbabwe sống trong cảnh nghèo đói, bà Grace như một bà hoàng bên cạnh chồng, với những món đồ xa xỉ, những chuyến đi nước ngoài được trải bằng tiền.

robert mugabe tu anh hung toi doc tai

Ông Mugabe và vợ, bà Grace Mugabe - Ảnh: REUTERS

Dẫn đầu nhóm G40 và cánh nữ của đảng cầm quyền ZANU-PF kể từ năm 2014, trong bối cảnh sức khỏe của ông Mugabe ngày càng có vấn đề, bà Grace đã dần lộ mặt.

Xây dựng hình ảnh như một người phụng sự chân thành cho tổng thống Mugabe, người vẫn được xem như một anh hùng giải phóng dân tộc, trên thực tế quyền lực tập trung xung quanh người phụ nữ này ngày càng dày đặc.

Họ nói rằng tôi muốn trở thành tổng thống. Tại sao không chứ? Chẳng lẽ tôi không phải công dân Zimbabwe à?-

Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe

Khi tiếng nói đã đủ nặng, bà Grace chẳng ngại thách thức những "công thần" khai sinh ra Zimbabwe. Sự ra đi của ông Mnangagwa, một khai quốc công thần, đồng minh lâu năm của ông Mugabe, rõ ràng có bàn tay của người phụ nữ này.

Nổi lên như một nhân vật thay thế sáng giá nếu ông Mugabe thôi làm Tổng thống, cú ngã ngựa của ông Mnangagwa đã đưa bà Grace nghiễm nhiên trở thành lựa chọn kế thừa tốt nhất cho "ngai vàng" của ông Mugabe.

Nhưng cuộc binh biến ngày 15-11 đã chấm dứt tất cả. Ông Mugabe đã thảo đơn từ chức, đồng thời yêu cầu quân đội đảm bảo an toàn cho gia đình của ông. Thế mới thấy, trong lúc nguy cấp nhất, ông Mugabe vẫn lo cho gia đình. Bà Grace hãy nên lấy đó làm điều an ủi khi tham vọng chính trị đã bị dập tắt.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.