Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng

(Baohatinh.vn) - Từ xa xưa, cha ông ta đã coi việc đọc sách là một nét văn hóa cao đẹp. Sự bùng nổ thông tin với những tiện lợi của văn hóa đọc trong kỷ nguyên số đã khiến không ít người dân quên dần thói quen sưu tầm và đọc sách. Đó cũng là một trong những lý do để “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng” được lựa chọn làm chủ đề của Ngày sách Việt Nam năm nay nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách đối với đời sống xã hội.

Nỗ lực thúc đẩy văn hóa đọc

Thầy Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Để hình thành thói quen đọc sách, giúp học sinh (HS) phát triển toàn diện về ngôn ngữ, tư duy, nhân cách, thời gian qua, ngành đã tăng cường chỉ đạo các nhà trường xây dựng thư viện. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã xây dựng hệ thống thư viện hoàn chỉnh. Đặc biệt, ở bậc tiểu học, THCS, mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện thông minh đã thu hút đông đảo giáo viên, HS tham gia. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực của ngành trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học”.

sach va su phat trien tri thuc cong dong

Thói quen đọc sách, giúp học sinh (HS) phát triển toàn diện về ngôn ngữ, tư duy, nhân cách

Không chỉ hấp dẫn bằng những khuôn viên mở, sự phong phú và mới mẻ của các đầu sách mà việc duy trì các hoạt động bổ ích còn là lý do khiến thư viện trở thành địa chỉ thường xuyên của HS. Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (Can Lộc ) cho biết: “Mỗi tuần, chúng tôi có một tiết đọc sách ở thư viện xanh hoặc trong lớp học. Vài tháng, thư viện lại có mục giới thiệu các đầu sách mới hoặc tổ chức triển lãm sách, chương trình xếp sách, thu hút đông đảo giáo viên, HS tham gia”.

Ở một số trường học được hưởng lợi từ dự án “Làm bạn với sách” của tổ chức CI (Đài Loan), việc khuyến khích đọc sách còn được thể hiện qua hoạt động trao thưởng vào cuối mỗi năm học cho những HS đọc nhiều sách và ghi chép đầy đủ nội dung, ý nghĩa của những cuốn sách mình từng đọc. Hoạt động đó đã thực sự khơi gợi cảm hứng cho các em về những bộ môn xã hội học, giúp các em tích lũy vốn sống, vốn từ ngữ, đồng thời, tránh xa những trò chơi bạo lực trên internet.

Sự phát triển của hệ thống thư viện cũng góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân. Bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát tờ rơi, cập nhật kịp thời các tài liệu, sách báo vào phần mềm trên trang web. Bên cạnh việc bổ sung các đầu sách mới, hàng năm, chúng tôi còn tăng cường luân chuyển sách về với hệ thống thư viện cơ sở, tủ sách thôn xóm”.

Để chuẩn bị cho Ngày sách Việt Nam, Thư viện tỉnh tổ chức các hoạt động kêu gọi, quyên góp sách cho các xã về đích NTM, cho vùng sâu, vùng xa; liên hệ với các thư viện tỉnh khác mượn sách để tổ chức trưng bày theo chủ đề; đưa sách đến các nhà trường để giới thiệu và phục vụ HS. Ngoài ra, thư viện còn phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức quảng bá, tuyên truyền, chiếu video clip về những kiến thức ở nhiều lĩnh vực đời sống mà người dân quan tâm.

Những đổi mới trong hoạt động của Thư viện tỉnh và sự nhiệt tình của những người phụ trách thư viện đã khơi dậy văn hóa đọc, tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng. Thư viện huyện Hương Sơn là một trong những điển hình. Chị Hoàng Thị Thu Hằng - cán bộ phụ trách Thư viện Hương Sơn cho biết: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi đón khoảng 60 lượt độc giả, riêng mùa hè thì tăng hơn nhiều. Để tạo sức hấp dẫn với bạn đọc, ngoài nguồn sách mới bổ sung, tôi đã tổ chức những buổi giới thiệu sách, tìm hiểu nhu cầu của người dân để có kế hoạch luân chuyển sách phù hợp. Đó là cách chúng tôi tự làm mới mình”.

Những phòng đọc thưa vắng, ảm đạm

Tuy nhiên, những điển hình ở cơ sở như Thư viện Hương Sơn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việc phát huy giá trị văn hóa đọc ở các thư viện tuyến huyện, xã, các tủ sách NTM ở từng thôn xóm, gia đình, dòng họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Hồng Thuận - Chủ tịch UBND xã An Lộc (Lộc Hà) chia sẻ: “Đáng tiếc nhất là Thư viện Hoa Cương - một địa chỉ hấp dẫn người dân trên địa bàn từ nhiều năm nay đến bây giờ không thể phát huy tác dụng. Lý do là bởi sự phát triển của công nghệ số, việc tìm hiểu thông tin của nhiều người trở nên thuận tiện hơn. Trong khi đó, thư viện cũng không đổi mới trong công tác tuyên truyền nên không thu hút độc giả, vì thế, chúng tôi đành đóng cửa”.

sach va su phat trien tri thuc cong dong

Học sinh Trường THCS Phúc Lộc (Can Lộc) tìm kiếm tài liệu tại thư viện nhà trường.

Tìm hiểu từ thực tế cho thấy, không chỉ Thư viện Hoa Cương mà đối với hệ thống thư viện cơ sở, các tủ sách nói chung, sự thất bại khi không thu hút được độc giả là do yếu tố con người, cơ sở vật chất, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương. Hầu hết các thư viện tuyến huyện, xã đều gặp khó khăn khi cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, ẩm mốc, thiếu không gian cho độc giả và cho việc trưng bày sách. Thêm vào đó, những người phụ trách thư viện nơi đây đều là những cán bộ kiêm nhiệm, việc mở cửa thư viện chỉ được thực hiện khi có thời gian rảnh rỗi. Một số cán bộ phụ trách thư viện cơ sở chưa tâm huyết, không tạo được sự đổi mới, không nắm bắt được nhu cầu người đọc nên hoạt động luân chuyển sách để đáp ứng nhu cầu độc giả hầu như không thực hiện được.

Chính vì thế, Ngày sách Việt Nam năm nay với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng” không chỉ khẳng định tầm quan trọng của sách, của văn hóa đọc trong sự phát triển chung đời sống xã hội, mà đây còn là dịp nhìn nhận lại những hạn chế trong hoạt động của các thư viện tuyến cơ sở, các tủ sách NTM tại cộng đồng dân cư nhằm tìm hướng khắc phục, để việc đọc sách trở thành thói quen, thành nhu cầu không thể thiếu của mỗi người.

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.