Video: Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải nói về nguy cơ vỡ bờ bao bãi thải mỏ sắt Thạch Khê.
Cách đây 11 năm, sau khi mưa lớn khiến bùn đất từ bãi chứa chất thải ở mỏ sắt Thạch Khê tràn xuống vùi lấp nhiều ngôi mộ, đất canh tác của người dân xã Thạch Hải, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (chủ đầu tư dự án) đã cho xây dựng bờ bao quanh bãi thải nhằm ngăn chặn các sự cố tương tự.
Bờ bao được đắp đất cao 1m, dài 5 km, kéo dài từ đoạn giáp ranh với xã Đỉnh Bàn tới moong mỏ sắt. Sau khi bờ bao được xây dựng, tình trạng bùn đất từ bãi thải tràn ra ngoài chấm dứt. Hằng năm, chủ dự án cũng có kế hoạch tu bổ, gia cố bờ bao.
Tuy nhiên, cùng với việc dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tạm dừng thì bờ bao bãi chứa chất thải xuống cấp nhưng không được sửa chữa. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, cứ mỗi lần có mưa lớn, nước đổ dồn về đã phá vỡ bờ bao khiến bùn đất tràn ra ngoài, ảnh hưởng tới đất canh tác và cuộc sống người dân địa phương. Trong ảnh: Khu vực bờ bao bãi thải bị vỡ từ năm 2020 nhưng chưa được gia cố, sửa chữa.
Tới nay, đã có ít nhất 14 - 15 ha đất (diện tích trồng cây trầu không - một trong những cây trồng chủ lực của người dân xã Thạch Hải) bị vùi lấp, không thể canh tác. Bên cạnh đó, các nhà dân gần khu vực bờ bao cũng bị nước, bùn đất cuốn vào nhà, khiến họ rất bức xúc.
“Thôn Nam Hải có 30 hộ dân với gần 100 nhân khẩu, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, sinh sống gần điểm bờ bao bị sạt lở. Cứ mỗi mùa mưa bão về là bà con lại lo lắng tình trạng sạt lở tái diễn. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị với chính quyền phải có phương án đảm bảo an toàn cho tuyến bờ bao, giúp người dân an tâm nhưng nhiều năm qua, tình trạng vẫn không thay đổi”, ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng thôn Nam Hải, xã Thạch Hải, chia sẻ.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý, đặc điểm đất ở địa phương chủ yếu là đất cát nên khả năng giữ nước rất kém, trong khi bờ bao đã xây dựng nhiều năm, trải qua thời gian, mưa gió nên xuống cấp. Hiện trên tuyến bờ bao có 4 điểm bị sạt lở nặng, kéo dài hàng chục mét.
Những năm qua, trước mỗi mùa mưa bão, địa phương đã huy động máy móc, nhân lực tiến hành gia cố bờ bao. Tuy nhiên, việc gia cố cũng chỉ mang tính chất tạm thời. Đặc biệt, vẫn có điểm không thể gia cố bởi sạt lở lớn, địa hình phức tạp. “Những lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Địa phương cũng nắm bắt rõ việc này và thời gian qua cũng cố gắng sửa chữa các điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân. Tuy nhiên, về lâu dài thì cần các ngành chức năng xử lý” - ông Nguyễn Hải Lý thông tin thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Lý, nhiều năm trước, đã có dự án xây dựng hệ thống mương bê tông dài 1 km để dẫn nguồn nước trong bờ bao đổ ra biển. Công trình này có triển khai được thời gian ngắn rồi cũng tạm ngưng tới nay.
“Địa phương mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê hằng năm phải có kế hoach tu bổ, gia cố bờ bao, đặc biệt là sửa chữa những điểm sạt lở trên tuyến và tiếp tục thi công hệ thống mương bê tông để thoát toàn bộ nước trong bờ bao ra biển, đảm bảo an toàn lâu dài” - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý kiến nghị.
Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án hơn 4.800 ha. Mỏ được phát hiện từ năm 1960, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 14.500 tỷ đồng, thời gian khai thác 52 năm. Việc khai thác ảnh hưởng đến cuộc sống của 5.928 hộ dân, sẽ phải di dời khoảng 4.000 hộ dân. Giai đoạn 2008 - 2011, chủ đầu tư (Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê) đã cho bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34 m so với mực nước biển, thu hồi khoảng 3.000 tấn quặng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông. Cuối năm 2016 đến nay, UBND tỉnh nhiều lần có báo cáo gửi Trung ương đề xuất tạm dừng dự án vì cho rằng công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn... |