Sau Việt Nam, EU muốn ký thêm nhiều thỏa thuận thương mại tự do với các nước châu Á

(Baohatinh.vn) - Ủy ban châu Âu (EC) ngày 17/10 đã đệ trình thỏa thuận thương mại tự do (EVFTA) với Việt Nam để chờ xét duyệt. Đây là diễn biến mới nhất cho thấy những nỗ lực của EU đối với các thỏa thuận thương mại nhằm chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Sau Việt Nam, EU muốn ký thêm nhiều thỏa thuận thương mại tự do với các nước châu Á

Thỏa thuận thương mại giữa EU và Việt Nam sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, trị giá 47 tỷ euro/năm. (Ảnh minh họa: AP)

Bà Cecilia Malmstrom, cao uỷ phụ trách thương mại EU, cho biết châu Âu đã quyết định tăng cường quan hệ thương mại với châu Á. “Thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận tham vọng nhất mà chúng tôi từng thực hiện với một nước đang phát triển”, bà Malmstrom nói.

“Nó đặt ra tiêu chuẩn. Là một bước đệm rất quan trọng cho bất cứ điều gì chúng tôi làm ở khu vực này”, cao uỷ phụ trách thương mại EU cho biết thêm.

Theo quy định, các thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) và 28 nước thành viên EU phê duyệt. Việc EC trình thông qua EVFTA với Việt Nam được kỳ vọng sẽ gửi một tín hiệu về tham vọng thương mại của EU trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12), sẽ diễn ra trong hai ngày 18-19/10/2018 tại Brussels, Bỉ. Trong khuôn khổ ASEM, EU sẽ có những cuộc đàm phán với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Singapore và EU tuần này cũng sẽ chính thức ký kết một thỏa thuận thương mại đã được đàm phán và thông qua trước đó. Bà Malmstrom cho biết cả hai thỏa thuận giữa EU với Việt Nam và Singapore sẽ giúp “mở đường” cho một hiệp định thương mại tiềm năng giữa EU-ASEAN.

Các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại giữa EU và ASEAN được bắt đầu từ năm 2007. Sự khác nhau về mức độ phát triển kinh tế và sự cởi mở giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khiến cho châu Âu phải theo đuổi các đàm phán riêng với từng thành viên của ASEAN từ năm 2009.

Việc khôi phục các cuộc đàm phán với ASEAN là một cái gì đó “không phải ngay lập tức được tiến hành, nhưng nó chắc chắn là một mục tiêu mà chúng tôi đặt ra”, bà Malmstrom nói.

EU đang cố gắng để thắt chặt các mối quan hệ thương mại nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng về chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy ở Mỹ và một số nước.

Trong hai năm qua, EU cũng đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với Nhật Bản, đạt được sự đồng thuận về mặt nguyên tắc để hiện đại hóa một thỏa thuận thương mại đã có sẵn với Mexico, bắt đầu đàm phán các thỏa thuận thương mại với Australia và New Zealand. EU cũng đang trong giai đoạn đàm phán chi tiết hơn một thỏa thuận thương mại tự do với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Thỏa thuận thương mại giữa EU và Việt Nam sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, trị giá 47 tỷ euro/năm, dù một số sẽ theo thời gian và lộ trình cụ thể và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch.

Việt Nam sẽ miễn thuế (hiện đang là 78%) đối với xe ôtô nhập khẩu từ EU trong 10 năm tới, miễn thuế (hiện là 50%) đối với rượu vang trong 7 năm.

Các công ty EU cũng sẽ có thể được đấu thầu các hợp đồng công của Việt Nam. Việt Nam cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU, như rượu sâmpanh hoặc phomát Parmigiano Reggiano.

Ngược lại, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép.

Thỏa thuận trên cũng sẽ bao gồm một chương về phát triển bền vững, như thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về quyền của người lao động và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Bà Malmstrom kêu gọi nhanh chóng phê chuẩn các văn bản, cho rằng thỏa thuận thương mại cũng sẽ “giúp lan truyền các tiêu chuẩn cao của châu Âu” về luật lao động và bảo vệ môi trường, cũng như “tạo ra các khả năng thảo luận sâu về quyền con người”.

Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU tạm lắng khi hồi tháng 7 vừa qua, 2 bên đạt được một thỏa thuận mà trong đó hướng tới mục tiêu không áp thuế, không rào cản và không bảo hộ, đồng thời nhất trí tránh làm leo thang căng thẳng trong tranh chấp thương mại.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/10 đã thông báo với Quốc hội nước này về kế hoạch theo đuổi thỏa thuận thương mại với EU, Nhật Bản và Anh ngay khi nước này sẵn sàng sau Brexit.

Bà Malmstrom ngày 17/10 nhấn mạnh rằng “Anh không thể đàm phán bất kỳ hiệp định thương mại nào khi họ vẫn là thành viên của EU”.

(Theo Financial Times)

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.