Sớm ban hành chính sách tín dụng cho hộ có mức sống trung bình

(Baohatinh.vn) - Người dân Hà Tĩnh kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm ban hành chính sách tín dụng với hộ có mức sống trung bình để giúp thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) đang triển khai hàng chục chương trình tín dụng chính sách, tạo nguồn lực để người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi về lãi suất để đầu tư phát triển kinh tế. Thực tiễn cho thấy vốn tín dụng chính sách đã góp phần khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống tại Hà Tĩnh; thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

bqbht_br_55.jpg
Người dân Hà Tĩnh kiến nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sớm ban hành chương trình tín dụng chính sách ưu đãi dành riêng cho hộ có mức sống trung bình.

Với mục tiêu đưa nguồn vốn tới từng đối tượng người dân, ngân hàng CSXH đã triển khai nhiều chương trình như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Với hộ có mức sống trung bình, thời gian qua, họ cũng đã được tiếp cận một số chương trình vay vốn từ ngân hàng CSXH như: chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Tuy vậy, các chương trình này quy mô cho vay còn hạn chế. Trên thực tiễn, hộ có mức sống trung bình hiện chưa có chính sách tín dụng riêng nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế.

Ông Phạm Anh Đức – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh cho biết: “Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 780 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ lệ hộ có mức sống trung bình toàn huyện đạt 67,62%, tập trung vào các ngành nghề nông – lâm – ngư – diêm nghiệp. Thời gian qua, nhu cầu vay vốn của hộ có mức sống trung bình rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân của đơn vị còn khiêm tốn do chưa có chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đối tượng này”.

Kỳ Tây là xã miền núi với điều kiện nhiều khó khăn. Bởi vậy, nhu cầu tiếp cận vốn vay tín dụng chính sách của người dân rất lớn với nhiều chương trình đã phát huy hiệu quả như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm… Tuy vậy, hiện nay, tỷ lệ hộ có mức sống trung bình trên địa bàn xã Kỳ Tây rất lớn, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của đối tượng này còn khó khăn đã ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế, thay đổi đời sống người dân nông thôn trên địa bàn.

bqbht_br_50.jpg
Được vay vốn ngân hàng CSXH, người dân xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) đầu tư mô hình kinh tế cho thu nhập khá.

Ông Lê Văn Lệ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Tây cho hay: “Tổng dư nợ các chương trình chính sách tín dụng của toàn xã hiện đạt trên 63 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua hội nông dân là hơn 30 tỷ đồng. Năm 2021, xã Kỳ Tây về đích nông thôn mới, do vậy, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm (tỷ lệ hộ nghèo hiện là 4,56% và tỷ lệ hộ cận nghèo 6,02%), trong khi tỷ lệ hộ có mức sống trung bình gia tăng (72,08%). Hiện nay, xã đang đối mặt khó khăn là nguồn vốn hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo khá dồi dào nhưng nhu cầu vay vốn của người dân giảm so với trước; trong khi nhu cầu vay vốn của hộ có mức sống trung bình đầu tư mô hình nông - lâm nghiệp rất cao nhưng nguồn vốn lại rất hạn chế. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét để sớm ban hành chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ có mức sống trung bình”.

Người dân huyện Can Lộc cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho hộ có mức sống trung bình để họ có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Bà Bùi Thị Thu (xã Thượng Lộc, Can Lộc) cho hay: "Gia đình tôi là hộ có mức sống trung bình, rất cần vay vốn ưu đãi tín dụng chính sách để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Tuy nhiên, một số chương trình tín dụng đang triển khai, chúng tôi không đủ điều kiện để tiếp cận".

bqbht_br_53.jpg
Nhu cầu vay vốn lớn nhưng các hộ có mức sống trung bình ở huyện Can Lộc mới chỉ được tiếp cận một số chương trình với nguồn vốn hạn chế.

Ông Lưu Tùng Dương – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Can Lộc thông tin: “Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn hiện đạt trên 640 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ lệ hộ có mức sống trung bình toàn huyện đạt khoảng 60%. Thời gian qua, nhu cầu vay vốn chính sách xã hội của các hộ có mức sống trung bình rất lớn nhưng nguồn vốn đáp ứng còn hạn chế. Do chưa có chương trình tín dụng chính sách riêng dành cho hộ có mức sống trung bình nên đơn vị chủ yếu lồng ghép cho vay một số chương trình tín dụng chính sách đủ điều kiện, song nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân”.

Hà Tĩnh đang tích cực triển khai xây dựng tỉnh nông thôn mới, do đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng giảm và tỷ lệ hộ có mức sống trung bình gia tăng. Bởi vậy, việc nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho hộ có mức sống trung bình là hết sức cần thiết để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

bqbht_br_51.jpg
Hộ có mức sống trung bình ở Hà Tĩnh chủ yếu đầu tư các mô hình nông - lâm - ngư - diêm nghiệp.

Theo khoản 2, Điều 3, Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, quy định chuẩn hộ có mức sống trung bình như sau:

- Khu vực nông thôn: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng.

- Khu vực thành thị: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình quy định trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022 - 2025.

Chủ đề Vì người nghèo

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng 120-240 đồng một lít từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính.
“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

2024 tiếp tục là năm thắng lợi của Hà Tĩnh khi được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tin tưởng “rót vốn” đầu tư các dự án quy mô lớn. 22 dự án có tổng vốn gần 25.000 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư là “cú hích” tạo niềm tin và động lực tăng trưởng bền vững cho tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.