Đập Đá Hàn nằm trên địa bàn xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) có chiều dài khoảng 15 km (tính từ đầu nguồn các suối chính), rộng từ 50 – 100m, được hợp thành bởi 6 con suối lớn nhỏ trong vùng sinh thủy, trong đó có các dòng chính là khe Nước đục, khe Cát, khe Đá thâm… Đây là nơi cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cẩm Xuyên (thuộc Chi nhánh Cấp nước TP Hà Tĩnh, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh) hoạt động, xử lý để phục vụ sinh hoạt, ăn uống cho gần 5.000 hộ dân ở các xã Cẩm Quan, thị trấn Cẩm Xuyên, xã Nam Phúc Thăng.
Thế nhưng, nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để, xử lý dứt điểm khiến người dân bất an, bức xúc.
Anh Nguyễn Văn Hạnh ở xóm Trại (xã Cẩm Quan) phản ánh: “Trước đây, nguồn nước ở đây bị ô nhiễm rất nặng do có nhiều hộ dân chăn nuôi, sinh sống trong lòng đập và dư lượng nước xả thải, phân bón, thuốc trừ sâu, tro bụi từ phát dọn thực bì, từ dự án chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà chảy theo nước mưa xuống suối, đập.
Mấy năm gần đây đã đỡ ô nhiễm hơn nhưng vẫn rất đáng lo ngại vì bùn đất chảy xuống từ tuyến cao tốc Bắc – Nam đang thi công, người dân thu hoạch keo và đốt thực bì trong vùng sinh thủy, một số hộ còn chăn nuôi trâu bò thả rông… Tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi mùa hè đập cạn nước khiến nước bốc mùi hôi và mùa mưa lụt khi các loại chất thải, bùn đất theo nước chảy xuống”.
Thực tế tại hiện trường chúng tôi thấy phản ánh của bà con là có cơ sở, nguồn nước ở đập Đá Hàn đang bị ô nhiễm bởi nhiều yếu tố tác động. Theo đó, ở xóm Trại (sát hạ lưu chân đập) hiện vẫn còn 11 hộ làm trang trại trồng keo tràm, chè, cây ăn quả và chăn nuôi. Ngoài trâu bò được chăn thả trong núi (nằm trong vùng sinh thủy của đập), hằng ngày vẫn có nhiều trâu bò của người dân ở lân cận thả rông, phóng uế ven đập.
Hai bên các dòng suối và bao quanh lòng đập là hàng nghìn hecta keo tràm ở các độ tuổi khác nhau, được cắt bán ở mọi thời điểm trong năm, khai thác xong thì cành lá vứt ngổn ngang và đốt thực bì bừa bãi tại chỗ. Ngoài ra, công trình đường cao tốc Bắc – Nam chạy song song sát chân đập cũng gây ô nhiễm nguồn nước bởi các trận mưa cuốn theo cát, sỏi, đất, đá từ chân công trình chảy xuống đập…
Đập Đá Hàn ô nhiễm không chỉ gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường xung quanh đập mà còn khiến người dân bất an. Ông Nguyễn Hữu T. ở thôn Thuỷ Triều (xã Cẩm Quan) lo lắng: “Với tình hình ô nhiễm nguồn nước thô như bấy lâu nay, chúng tôi rất bất an khi sử dụng nguồn nước này phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nên chưa thể yên tâm. Mong các cấp, ngành vào cuộc xử lý triệt để các vấn đề có liên quan đến chất lượng nguồn nước thô ở đập Đá Hàn để bảo vệ sức khỏe cho người dân".
Việc chất lượng nguồn nước thô bị ô nhiễm cũng kéo theo những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy nước Cẩm Xuyên. Anh Bùi Thanh Thủy - Tổ trưởng Tổ Vận hành Nhà máy nước Cẩm Xuyên cho biết: “Trước đây, nguồn nước thô trong lòng đập Đá Hàn chưa lúc nào vượt quá 1.000 NTU (chỉ số đo độ đục), nhưng thời gian gần đây có những lúc chỉ số này tăng lên đến 4.000 NTU. Vì nguồn nước đầu vào không chuẩn nên chúng tôi rất vất vả, phải huy động tối đa nhân lực, sử dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật; đặc biệt là phải vận hành tối đa công suất của nhà máy (5.000 m3/ngày đêm) nhưng hiệu quả cũng chỉ đạt 50 – 80% so với bình thường”.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan Phạm Văn Thành cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức đi kiểm tra, đánh giá tình hình cụ thể theo phản ánh của Nhân dân và cử tri. Qua kiểm tra cho thấy, việc ô nhiễm nguồn nước tại đập Đá Hàn đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra và nặng nhất là vào mùa hè khi nước cạn và giai đoạn đầu khi xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Để giảm thiểu ô nhiễm, chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân sinh sống, sản xuất trong vùng sinh thủy nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế chăn nuôi đại gia súc. Đặc biệt, chúng tôi đã có chủ trương cấp đất ở cho các hộ làm trang trại ở xóm Trại ra phía ngoài sinh sống, hiện đã có 5 hộ di dời ra ngoài lòng đập”.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhắc nhở người dân bảo vệ môi trường và theo dõi sát tình hình để nắm bắt mọi diễn biến kịp thời, báo cáo lên cấp trên khi xảy ra ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, để có nguồn nước sạch chất lượng, an toàn thì về lâu dài cần phải xây dựng hệ thống đường ống lấy nguồn nước thô từ hồ Kẻ Gỗ hoặc hồ Bộc Nguyên. Do đó, chúng tôi mong Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh và các sở, ngành chức năng cần tập trung khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án, bố trí kinh phí để sớm có được nguồn nước thô tốt hơn”, ông Phạm Văn Thành chia sẻ thêm.