Mùa mưa lũ thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh nhằm làm rõ hơn nguy cơ và các giải pháp để phòng, chống hiệu quả với dịch bệnh trong và sau mưa lũ,
PV: Thưa ông, Hà Tĩnh đã bước vào mùa mưa lũ, ngập lụt đã diễn ra cục bộ ở một số địa bàn. Trong điều kiện thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, phải chăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh cũng ngày càng cao?
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh: Mặc dù đến nay chưa có bản đồ ngập lụt, song qua thực tiễn cho thấy các địa phương như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, các xã khu vực ngoài đê của huyện Đức Thọ, một số xã vùng hạ du ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh… thường bị ngập lụt khi mùa mưa lũ đến.
Trong mưa lũ sẽ có nhiều bùn đất, bụi, rác, chất thải, xác súc vật... lẫn vào nước sông, suối, ao hồ, tràn vào giếng khơi nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, từ đó dẫn tới nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong và sau mưa lũ là rất lớn, nhất là sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy), cảm cúm, đau mắt đỏ, tay chân miệng... Ngoài ra, các bệnh lý về da liễu, các tổn thương do bị côn trùng chích, đốt và các chấn thương do tai nạn gặp phải trong mưa lũ cũng rất dễ xảy ra.
PV: Những khó khăn thường gặp phải trong công tác phòng, chống dịch bệnh mùa mưa lũ là gì, thưa ông?
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh: Khi mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều nơi, dịch bệnh xảy ra thì việc kiểm soát sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với trong điều kiện thời tiết thông thường. Thứ nhất, trong mùa mưa lũ sẽ dễ xảy ra gián đoạn về y tế do bị chia cắt, cô lập, không thể tiếp cận để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Nhiều cơ sở y tế, nhất là trạm y tế tuyến xã dễ xảy ra việc ngập lụt, thuốc men, hóa chất, phương tiện, thiết bị phòng chống dịch dễ bị hư hỏng và cán bộ y tế không thể tiếp cận được khu vực có dịch.
Ngoài ra, trong điều kiện mưa lũ, việc di chuyển bị gián đoạn, dễ bị mất liên lạc do mất điện nên các cơ sở y tế tuyến trên khó khăn trong công tác tiếp cận, hỗ trợ cho hệ thống y tế tuyến dưới.
Sau mưa lũ, vấn đề thiếu nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân thường triển khai chưa tốt, chưa kịp thời nên đây cũng là điều kiện để làm gia tăng và lây lan các bệnh truyền nhiễm.
PV: Để phòng, chống hiệu quả với dịch bệnh trong và sau mưa lũ, ngành y tế đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh: Với sự nỗ lực của toàn ngành, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh đang được kiểm soát hiệu quả. Các dịch bệnh lưu hành được phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên hạn chế lây lan. Toàn tỉnh chỉ ghi nhận rải rác 69 ca sốt xuất huyết. Ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) được khống chế kịp thời, dừng lại 35 ca mắc. Ngành y tế ghi nhận có 80 ca mắc sởi; ổ dịch sởi tại huyện Đức Thọ được khống chế với 66 ca. Các bệnh truyền nhiễm như: ho gà, thuỷ đậu, tay chân miệng, quai bị, đau mắt đỏ, các bệnh ngoài da... chỉ diễn ra rải rác, không thành dịch.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, khi mùa mưa lũ đến, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ cao. Chính vì vậy, ngành y tế đã chủ động triển khai các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó với dịch bệnh một cách kịp thời. Đến nay, chúng tôi đã cung cấp 2 đợt hóa chất với 152 lít hóa chất diệt côn trùng, 1.011 kg Cloramin B hóa chất khử khuẩn, 595.000 viên Aquatab cho các trung tâm y tế tuyến huyện, nhất là tại các địa phương hay xảy ra ngập lụt. Trên cơ sở đó, các huyện sẽ phân bố về cho các trạm y tế xã, đảm bảo luôn có dự trữ để ứng phó với dịch bệnh.
Cùng đó, đã tổ chức 13 lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát và đáp ứng phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho 1.145 cán bộ y tế tại các xã, phường, thị trấn và trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Các lớp tập huấn đã cập nhật những kiến thức, kỹ năng trong công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nhất là trong thời tiết mưa lũ, thiên tai. Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn kỹ năng cấp cứu, khử khuẩn, vệ sinh môi trường trong mưa lũ cho cán bộ y tế tuyến xã.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống thiên tai phù hợp với thực tiễn. Tổ chức đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để hỗ trợ tuyến dưới về giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi và phòng muỗi đốt để tránh nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Ở những vùng ngập lụt, sau mưa lũ, cần thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị kịp thời.
PV:Xin cảm ơn ông!