Sử dụng giống mới, gần 1.300 ha sắn nguyên liệu ở Kỳ Anh thoát bệnh khảm lá

(Baohatinh.vn) - Từng chịu thất bát do bệnh khảm lá virus trên gống sắn KM140, người dân huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang rất vui khi việc áp dụng giống sắn mới KM94 cho năng suất cao nhờ khả năng kháng bệnh tốt.

Nếu như ở thời điểm này trong 2 năm gần đây, toàn huyện Kỳ Anh có hơn 200 ha sắn bị khảm lá, thì năm nay, diện tích bị bệnh chỉ còn dưới 10 ha. Đây là kết quả của “cuộc cách mạng” về giống sắn trong năm 2021.

Chị Nguyễn Thị Yến trao đổi với lãnh đạo xã Kỳ Sơn về kết quả trồng sắn năm nay của gia đình.

Tại xã Kỳ Sơn, địa bàn có Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Mỹ Phát miền Trung, năm nay, cây sắn đã lên cao quá đầu người. Trên cánh đồng tập trung 26 ha khu vực thôn Trung Sơn, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Yến đang đi kiểm tra 2 sào đất trồng sắn liên kết với doanh nghiệp.

“2 năm trước, sắn liên tục bị bệnh nên năng suất và hàm lượng tinh bột đều giảm, thu nhập từ trồng sắn không đáng kể khiến bà con nản chí. Năm ngoái, 2 sào sắn của gia đình tôi chỉ thu về hơn 2 tạ. Năm nay, chúng tôi rất mừng vì phần lớn diện tích trên cánh đồng sắn của thôn chúng tôi đã được thay giống mới KM 94 nên hầu như không còn bệnh khảm lá. Sắn phát triển rất tốt, nếu không gặp thiên tai thì chắc chắn năng suất sẽ cao gấp đôi so với năm ngoái" - chị Yến phấn khởi chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn kiểm tra một số diện tích còn sót lại những cây sắn bị khảm lá.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn Nguyễn Hồng Phương, quyết tâm thay mới giống sắn sạch bệnh, đầu vụ, xã hỗ trợ tiền vận chuyển cho Hội Nông dân lấy giống mới từ Quảng Bình về cung ứng cho người dân trên toàn bộ diện tích 215 ha.

Đầu năm 2021, xã phát động ra quân trồng sắn giống mới, cán bộ từ xã đến thôn đã cùng xuống giống với bà con. Hiện nay, sau 4 tháng trồng, chăm sóc, phần lớn diện tích sắn phát triển rất tốt, toàn xã chỉ có một vài sào bị bệnh do một số ít người dân còn sử dụng giống cũ. Với đà phát triển hiện nay, xã dự kiến năng suất sắn năm nay sẽ đạt 250 tạ/ha, tăng gần 50 tạ/ha so với năm 2019 và 2020.

Thời điểm này năm ngoái, nhiều vườn sắn ở các xã vùng thượng Kỳ Anh cùng chung tình trạng còi cọc, kém phát triển bởi bệnh khảm lá. Ảnh tư liệu

Ở xã Kỳ Thượng, ông Nguyễn Xuân Mến - Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: "Toàn xã có 250 ha trồng sắn nguyên liệu. Năm 2020, hơn 60% diện tích bị khảm lá nhưng năm nay người dân mua giống mới từ các đại lý cung ứng có uy tín về trồng nên tỷ lệ diện tích bị khảm lá chỉ còn khoảng 15-17%.

Tổ trưởng tổ hợp tác trồng sắn thôn Đất Đỏ Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ với phóng viên niềm hi vọng mới của người dân đối với cây trồng truyền thống của địa phương.

Cũng áp dụng trồng giống sắn mới, năm nay, toàn bộ 30 ha sắn của xã Kỳ Trung gần như sạch bệnh khảm lá. Tổ trưởng tổ hợp tác trồng sắn thôn Đất Đỏ Nguyễn Thị Thu Hường cho biết: "Năm nay là năm đầu tiên hình thành tổ hợp tác liên kết 4 ha sắn với Nhà máy chế biến tinh bột sắn, trồng giống sắn mới, bà con yên tâm vì sắn không bị bệnh, sản phẩm lại được ký kết tiêu thụ ổn định với nhà máy theo mức giá hợp lý”.

Hàng chục năm gắn bó với cây sắn, người dân Kỳ Anh vẫn có thói quen tự để giống cho vụ sau. Từ năm 2018, khi bệnh khảm lá tấn công cây sắn, việc sử dụng lại giống cây đã nhiễm bệnh là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lan rộng, kéo dài, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng. Nhiều năm luẩn quẩn với việc đến hẹn khảm lá lại tấn công cây sắn, đến vụ sản xuất 2021, với cách làm kiên quyết, đồng bộ từ huyện đến các địa phương, “cuộc cách mạng” về giống sắn cơ bản đạt kết quả tốt.

Năm nay, bên cạnh cây sắn an toàn với bệnh khảm lá, diện tích liên kết trồng sắn cũng đạt trên 350 ha, giúp Nhà máy Chế biến tinh bột sắn chủ động về nguyên liệu.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, giống sắn mới KM 94 có khả năng kháng bệnh cao hơn giống KM 140 trước đây, hầu hết bà con cũng đã sử dụng giống mới nên hơn 1.300 ha sắn vụ xuân 2021 của toàn huyện Kỳ Anh năm nay đã sinh trưởng, phát triển khá an toàn. Cây sắn hiện đã hoàn thành các giai đoạn chăm sóc, các địa phương đang hướng dẫn người dân nhổ bỏ những cây bị bệnh còn sót lại, tránh để lây lan trên đồng ruộng.

Kết quả đáng mừng này sẽ giúp người dân Kỳ Anh, nhất là bà con ở vùng thượng yên tâm phát triển cây sắn với hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời cũng góp phần giúp Nhà máy Chế biến tinh bột sẵn chủ động nguyên liệu sản xuất.

Bệnh khảm lá virus trên cây sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus. Bệnh lan truyền qua trung gian là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT, bệnh khảm lá sắn rất nguy hiểm và khó phòng trừ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói