Sửa đổi Thông tư 30, tránh “bình mới, rượu cũ”

Dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi) về đánh giá học sinh tiểu học đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, nhất là giáo viên, chuyên gia và cha mẹ học sinh. Bên cạnh sự ủng hộ những nội dung sửa đổi mang tính tiếp thu của Bộ GD - ĐT, cũng có không ít ý kiến cho rằng dự thảo về cơ bản vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Giáo viên “nhàn” hơn

Theo Dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) vẫn giữ quy định đánh giá học sinh tiểu học thường xuyên bằng nhận xét, không dùng điểm số nhưng không yêu cầu hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động sử dụng hình thức nhận xét phù hợp.

sua doi thong tu 30 tranh binh moi ruou cu

Điều chỉnh phương pháp đánh giá học sinh cần điều chỉnh cả chương trình học.

Trước những nội dung này, nhiều giáo viên đã bày tỏ sự đồng tình đối với Bộ GD - ĐT khi sửa đổi một số quy định còn hạn chế trong quá trình thực hiện 2 năm qua. Cô Nguyễn Thị Thu Thảo, giáo viên trường Tiểu học Trần Phú, Ninh Bình, cho biết những sửa đổi sẽ giúp cho giáo viên cấp tiểu học, nhất là giáo viên dạy bộ môn phụ như âm nhạc, vẽ và thể dục giảm bớt áp lực khi phải ghi nhận xét từng học sinh vào vở; hạn chế tình trạng nhận xét học sinh một cách máy móc, hay viết giấy khen “khen từng mặt” cho học sinh.

Điểm mới trong Dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi) là thay vì đánh giá học sinh cuối năm là "Đạt" hay "Không đạt" như trước đây, thì giáo viên được lượng hóa theo các mức A, B, C. Giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên về chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh đối với từng môn học để nhận xét học sinh giữa và cuối kỳ; đồng thời đánh giá kèm điểm số bằng các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm. Trong đó, học sinh lớp 4, lớp 5 sẽ có thêm hai bài kiểm tra giữa kỳ môn Toán, Tiếng Việt.

Dưới góc độ một nhà quản lý giáo dục, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD - ĐT Hưng Yên cho biết, chủ trương sửa đổi Thông tư 30 có tác động tích cực, giúp cho mọi người (cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, xã hội...) hiểu đầy đủ hơn về Thông tư 30 và giải quyết được những vướng mắc của giáo viên trước đây. Việc hướng dẫn giáo viên nhẹ nhàng hơn, không gây áp lực sổ sách, có gợi ý cụ thể cho việc khen thưởng. Giáo viên được hướng dẫn chi tiết hơn về cách đánh giá, nhận xét học sinh, hiểu đúng cách thực hiện đánh giá thường xuyên, có hướng dẫn cụ thể, tường minh về lời khen chê đối với học sinh.

Cần chữa bệnh thành tích

Đánh giá cao tính thiết thực của việc sửa đổi Thông tư 30, nhưng nhiều giáo viên, cán bộ quản lý và chuyên gia giáo dục vẫn băn khoăn về sự đồng bộ giữa cách đánh giá học sinh và chương trình học hiện nay. “Dự thảo thông tư 30 sửa đổi đánh giá năng lực theo kiểu mô hình trường học mới (VNEN) nhưng chương trình học hiện nay vẫn nặng về kiến thức. Do đó, khi áp dụng sẽ không tránh được sự khập khiễng”, bà Đoan Trang, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội, cho biết.

Đồng tình với ý kiến này, một số giáo viên tiểu học phân tích rằng nếu đánh giá theo VNEN thì sĩ số lớp học là 40 học sinh/lớp, trong khi sĩ số lớp học ở nhiều tỉnh, thành phố là 50 - 55 học sinh. Chương trình học nặng sẽ khiến học sinh ở những lớp quá đông khó tiếp thu kiến thức mà giáo viên truyền thụ. Bởi lẽ, học sinh đông đồng nghĩa với nhóm đông, ảnh hưởng hiệu quả làm việc nhóm, thậm chí dễ khiến một số em tự ti hơn.

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD - ĐT Đà Nẵng, sửa đổi Thông tư 30, Bộ cũng cần hướng dẫn cho các nhà trường tổ chức cho giáo viên nhận xét (tự nhận xét, tổ nhận xét, Ban Giám hiệu nhận xét) về khả năng thực hiện Thông tư 30 theo các mức độ khác nhau. Từ đó, các cấp quản lý có kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên. Việc ghi sổ theo dõi chất lượng giáo dục không lưu trong hồ sơ của học sinh nhưng giáo viên phải có và loại sổ này được hiểu như sổ tay của giáo viên, dùng cho giáo viên và vì sự tiến bộ của học sinh chứ không phải giáo viên ghi để đối phó với các cấp quản lý.

Theo GS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, những vướng mắc của giáo viên trong Thông tư 30 như việc viết nhận xét quá nhiều, bỏ sổ theo dõi chất lượng giáo dục, tăng cường đánh giá về điểm số các bài kiểm tra lớp 4, lớp 5 đã được giải quyết. Nhưng trong Dự thảo sửa đổi vẫn chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề này. Bởi áp lực bệnh thành tích trong kiểm tra, đánh giá, tổ chức ở cấp học này đã ăn sâu vào nhà trường, phụ huynh. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì người chịu trực tiếp những ảnh hưởng là học sinh.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, vấn đề cơ bản là phải “chữa” được bệnh thành tích. Đặc biệt, các giáo viên cần ý thức sâu sắc việc đánh giá, nhận xét là vì sự tiến bộ của học sinh, để qua, đó thu được thông tin cần thiết, điều chỉnh việc dạy học ngày một hiệu quả hơn.

PGS.TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Theo tôi, những sửa đổi mới đây của Thông tư 30 chỉ thay đổi hình thức cách gọi. Việc đánh giá học sinh xếp theo mức A, B, C thay cho việc đánh giá là đạt, hoàn thành tốt… vẫn gần giống nhau. Để đánh giá được học sinh một cách toàn diện, cần kết hợp những hình thức như đánh giá định tính, đánh giá định lượng, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Thông tư 30 có định tính nhưng thiếu một nửa là định lượng, mà định tính - định lượng phải gắn với nhau. Cũng có người cho rằng, cách đánh giá cũng có định lượng khi một học kỳ có bài kiểm tra, song một bài kiểm tra học kỳ không đủ để định lượng học sinh.

Anh Nguyễn Thế Phương, Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội:

Cho điểm vào bài làm của học sinh là chuẩn xác nhất. Cả học sinh và phụ huynh đều biết con mình đạt ở mức độ nào. Học sinh nào yếu ở đâu hay tiến bộ vượt bậc như thế nào thì giáo viên nhận xét trực tiếp bằng lời với em đó. Thỉnh thoảng giáo viên có thể ghi nhận xét vào vở của học sinh để phụ huynh biết (nếu cần). Cuối năm cứ xếp loại giỏi, khá, trung bình như trước đây - rõ ràng và dễ hiểu.

Theo Lê Vân/Báo Tin tức

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.