Tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức

Do tính chất nghề nghiệp của nhà giáo, nên dự án Luật Nhà giáo cần lưu ý một số nội dung, trong đó, tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024.

Trong đó, về dự án Luật Nhà giáo, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhà giáo được nêu tại các Văn kiện của Đảng[1]; khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà giáo với các luật khác có liên quan.

Chính phủ đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan, tích cực chuẩn bị, trình dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do tính chất nghề nghiệp của nhà giáo, nên dự án Luật này cần lưu ý một số nội dung sau:

- Bám sát và thể hiện rõ các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 23 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ.

- Tiếp tục hoàn thiện các quy định có liên quan về nhà giáo; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn, nhất là những bài học từ công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua; có lộ trình, bước đi phù hợp, bảo đảm tính khả thi và nguồn lực để thực hiện; bảo đảm đúng nguyên lý và nội hàm của quản lý nhà nước, giảm tối thiểu những việc làm cụ thể không phải quản lý nhà nước; tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức, nhưng cần kế thừa các quy định còn phù hợp với đặc thù nghề dạy học của Luật này.

Quy định cụ thể các chính sách đặc thù đối với nhà giáo (ngoài lương cơ sở, phụ cấp là cao nhất như Kết luận 91-KL/TW đã nêu) thì cần thiết kế thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, người có tâm huyết giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp, khả thi, có khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách nhà nước.

Cần làm rõ đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo và phương thức đào tạo có tính đến yếu tố đặc thù trong từng lĩnh vực để làm căn cứ quy định chính sách phù hợp; cần phân cấp, phân quyền mạnh trong hệ thống cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; giảm tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của các cấp, các ngành, của giáo viên, của người dân.

Tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo đội ngũ nhà giáo, khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo được tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật; giao Chính phủ quy định về đội ngũ nhà giáo trong lực lượng vũ trang cho phù hợp, đúng thẩm quyền.

Đối với các quy định đặc thù trong dự thảo Luật Nhà giáo khác với các quy định của các luật hiện hành khác thì cần có giải pháp để xử lý sự khác nhau đó tại luật này hoặc luật có liên quan; cần thiết làm rõ, cụ thể trong điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp.

- Rà soát, bảo đảm tính phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm các quy định khi ban hành là hợp lý, khả thi, hiệu quả.

- Tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của giáo dục Việt Nam.

- Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận cao; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện Dự thảo luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ có liên quan khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Thành Long trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự án Luật này; giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

[1] Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Kết luận số 14-KL/TW ngày 26/7/2002, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã chỉ rõ: "Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh", "Sớm xây dựng chính sách sử dụng và tôn vinh các nhà giáo, cán bộ quản lý giỏi, có công lao trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo";

Chỉ thị số 40/2004/CT-TW ngày 15/6/2004 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã xác định "nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng" và đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo;

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đặt ra nhiệm vụ, giải pháp "Sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức, đội ngũ nhà giáo và pháp luật có liên quan";

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nhấn mạnh: "Nâng cao nhận thức và vai trò quyết định chất lượng GDĐT của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục"; đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là "phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT". Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc "xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo".

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030 của nước ta là "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…".

xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Đọc thêm

Thông tin "xử phạt người độc thân" là bịa đặt, gây hoang mang dư luận

Thông tin "xử phạt người độc thân" là bịa đặt, gây hoang mang dư luận

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội đăng tải một số nội dung thông tin về việc Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra ý kiến, đề nghị thí điểm “Xử phạt người độc thân”. Bộ Y tế khẳng định đây là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận.
Đồng hành cùng người yếu thế

Đồng hành cùng người yếu thế

Ngân hàng Chính sách huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ học sinh, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp và các đối tượng mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng.