Tại sao phán quyết Biển Đông có thể thay đổi cả châu Á?

(Baohatinh.vn) - Một hội đồng gồm 5 chuyên gia về luật biển hôm qua (12/7) đã đưa ra phán quyết cuối cùng về một vụ kiện mà dự kiến sẽ tạo ra những tác động to lớn và lâu dài đến một trong những điểm nóng tiềm ẩn của thế giới - Biển Đông.

Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague (La Haye), Hà Lan hôm qua ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo đó,PCA tuyên bố Bắc Kinh không có bất kỳ một cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong “đường chín đoạn”. Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm quyền chủ quyền của Philippines theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Philippines đưa vụ kiện “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) ra Tòa Trọng tài vào tháng 1/2013, yêu cầu một phán quyết về quyền của nước này trong việc khai thác vùng biển gần một số rạn san hô và bãi cát ngầm bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông.

Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài nhưng phán quyết của PCA có thể có những tác động lâu dài đến sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một siêu cường quốc mới nổi, đến thương mại toàn cầu và thậm chí là hòa bình quốc tế.

Trong thời gian chờ đợi phán quyết của PCA, Trung Quốc đã cho tiến hành một số cuộc tập trận quân sự trên vùng biển đang xảy ra tranh chấp trong khi Mỹ cũng điều các tàu khu trục tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông.

tai sao phan quyet bien dong co the thay doi ca chau a

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp trên bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: AP)

Phán quyết của PCA quan trọng thế nào?

Biển Đông là một trong những khu vực nhạy cảm về chính trị nhất trên thế giới. Phán quyết của Tòa Trọng tài vào hôm qua cũng đánh dấu lần đầu tiên một tòa án quốc tế thông qua một bản án về các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong khu vực và phản tố, theo CNN.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông và có tuyên bố chồng lấn với 4 quốc gia khác gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Đã có vài động thái căng thẳng xảy ra giữa các bên đe dọa sẽ đẩy khu vực vào xung đột, bao gồm sự kiện năm 2012 khi Hải quân Philippines ngăn ngư dân Trung Quốc rời khỏi bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này nằm cách bờ biển Philippines khoảng 230 km và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012.

Cũng trong phán quyết công bố vào hôm qua, PCA nhấn mạnh rằng Tòa Trọng tài không quyết định về vấn đề chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, nhưng xác định rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough sau tháng 5/2012.

tai sao phan quyet bien dong co the thay doi ca chau a

Tàu tuần duyên Trung Quốc tiếp cận ngư dân Philippines gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông tháng 8/2015. (Ảnh: AP)

Theo CNN, trong khi Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh như một siêu cường quốc mới nổi ở khu vực, Biển Đông đã trở thành một “sân chơi để thử nghiệm” cho việc liệu Trung Quốc sẽ “trỗi dậy” như một phần của xã hội toàn cầu hay chỉ là một kẻ đứng ngoài cuộc chơi.

Nếu Trung Quốc phớt lờ hoặc đi ngược lại với phán quyết của Tòa Trọng tài, các nhà phân tích cho rằng điều này có thể gây ra những tác động đáng lo ngại đến sự ổn định trong khu vực và làm suy yếu một nền hòa bình vốn đã mong manh ở đây.

Biển Đông là một hành lang thương mại lớn, với 5,3 nghìn tỷ USD hàng hóa qua lại vùng biển này mỗi năm. “Các dự đoán tích cực cho thấy hơn một nửa thương mại hàng hải thế giới sẽ đi qua eo biển Malacca, cùng với một nửa trữ lượng khí hóa lỏng và một phần ba lượng dầu thô đang nằm dưới đáy Biển Đông” - Chuyên gia Đông Nam Á Bill Hayton viết trong cuốn "Biển Đông: cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á", cho biết.

Liệu phán quyết của PCA sẽ giải quyết được điều gì?

Về mặt pháp lý, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ ràng buộc và có thể có những tác động về mặt ngoại giao nhất định đối với Trung Quốc nếu như nước này từ chối tuân thủ theo luật định.

“Người ta cho rằng nếu Trung Quốc không tuân thủ các phán quyết thì tự họ sẽ làm suy giảm đi vị thế của chính mình trong các cam kết duy trì trật tự theo luật pháp. Và hậu quả sẽ là danh tiếng của chính họ” - Ian Storey, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định.

Tuy nhiên, không có một biện pháp quân sự nào được thực thi kèm theo phán quyết của PCA. Quân đội Liên Hợp Quốc sẽ không thể buộc Trung Quốc rời khỏi bãi Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập.

“Câu hỏi lớn về phán quyết này đó chính là: Ai sẽ người củng cố nó? Bởi vì đến cuối cùng, đây vẫn là một phán quyết có tính ràng buộc. Và nếu Trung Quốc lựa chọn phủ nhận phán quyết, sẽ rất khó để Philippines thay đổi được hiện trạng”, Chuyên gia Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy ở Sydney (Úc), nhận định. “Tôi không nghĩ là có bất kỳ ai chờ đợi Trung Quốc gỡ bỏ các công trình cải tạo đảo của nước này”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng một khi PCA ra phán quyết ủng hộ Philippines, quốc gia này có thể tiếp tục tiến hành thêm nhiều vụ kiện khác, yêu cầu các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với Trung Quốc.

(Tham khảo CNN, Reuters)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.