Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 35% số bệnh nhân trên thế giới mắc bệnh ung thư liên quan đến yếu tố không an toàn trong thực phẩm và cung cách ăn uống thường ngày...
Gia tăng số người mắc ung thư có liên quan đến thực phẩm không an toàn.
Các loại ung thư do thực phẩm không an toàn
Theo thống kê, năm 2000 Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015 lên đến 150.000 ca mắc mới. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người. Như vậy, số ca mắc mới ung thư tăng dần theo từng năm. Theo các chuyên gia, số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng, trrong đó tác nhân thực phẩm không an toàn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%. Thực phẩm mất an toàn gây ra các loại ung thư sau:
Ung thư vòm họng: Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ung thư vòm họng, song việc sử dụng các đồ ăn lên men, thực phẩm bị nấm mốc, có tồn dư hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư dạ dày: Một số chất hóa học được dùng trong chăn nuôi hoặc dùng để tẩy trắng thực phẩm hay bảo quản thực phẩm có thể gây hại cho đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến tình trạng viêm loét ruột, dạ dày, đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh ung thư dạ dày.
Ung thư đại trực tràng: Hàm lượng chất bảo quản thực vật có trong rau, củ hay chất tăng trọng, chất tạo nạc có trong thịt lợn, thịt bò, các chất kích thích... làm tăng nguy cơ gây ung thư. Đáng lưu ý, những thực phẩm muối lên men, thực phẩm chế biến sẵn tồn dư rất nhiều chất bảo quản như dưa cà muối, thịt muối, cá muối, thịt hun khói, xúc xích... là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Ung thư gan: Các hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus, nấm mốc... có trong thực phẩm bẩn khi đi vào cơ thể khiến gan bị nhiễm độc, dẫn đến sản sinh các chất gây viêm, gây phá hủy tế bào gan, dẫn đến nhiều bệnh lý gan nguy hiểm, đặc biệt là ung thư gan.
Ung thư tủy: Ăn thịt lợn có dư lượng cao thuốc an thần có nguy cao bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây nên triệu chứng run chân tay, thay đổi huyết áp, nhức đầu, chóng mặt. Khi lượng thuốc này bị tích lũy và tồn đọng lâu ngày trong người sẽ có nguy cơ cao gây mục xương, ung thư tủy và gây giảm hồng cầu rất nguy hiểm.
Hoá chất nào có trong thực phẩm gây ung thư?
Sulfite: Đây là một loại hóa chất thuộc nhóm sulfur có thể xâm nhập vào thực phẩm tự nhiên trong môi trường hay được thêm vào thực phẩm để bảo quản hay làm tăng hương vị đặc biệt của thực phẩm. Mặc dù FDA vẫn cho phép sử dụng hóa chất trên đối với thực phẩm đã nấu chín hoặc đã chế biến - với liều lượng hạn chế tùy theo loại thực phẩm như các loại bánh nướng, soup, thịt jambon, rau cải hay đậu hộp, dưa chua, trái cây khô, rượu bia và rượu chát, khoai chip, nước trái cây, nước táo, chanh, trà, tôm đông lạnh. Trên bản ghi nhận thực phẩm, hóa chất này được ghi là sulfur dioxide, sodium bisulfide hay potassium metbisulfite...
Còn ở Việt Nam cũng dùng hóa chất này và có thêm chlor vào để nhằm bảo quản thực phẩm và làm trắng sản phẩm, bắt mắt người tiêu dùng. Do đó, nguy cơ độc hại rất cao vì nguyên tố chlor (chloro-sodium sulfite) là một nguyên nhân gây ra ung thư ở người. Các sản phẩm được nhà sản xuất áp dụng tính chất này là bánh tráng, các loại bột dưới dạng sợi như bánh canh, bún, miến...
Hóa chất trong xì dầu: Hóa chất có tên viết tắt là 3-MCPD, hay tên hóa học đầy đủ là 3-monochloropropane -1,2-diol. Trong quy trình sản xuất xì dầu, phương pháp thủy phân bằng acid chlorhydric (HCl) cho ra phế phẩm trên và một số hóa chất tương tự thuộc nhóm chloropropanol. Còn phương pháp chế tạo xì dầu qua công nghệ lên men tự nhiên thì không tạo ra các phế phẩm trên. Ngay sau khi giai đoạn chế biến xì dầu xong, hàm lượng của các hóa chất trên có thể tăng lên trong giai đoạn đóng chai, dự trữ và ngay cả trong khi nấu nướng, nếu hóa chất không được khử đúng mức ngay từ lúc ban đầu.
Hoá chất 3-MCPD trong xì dầu có thể gây ung thư.
Tương tự như các hợp chất hữu cơ chứa chlor khác, 3-MCPD khi đi vào cơ thể qua đường thực phẩm sẽ tích tụ trong các mô mỡ và gan. Qua thời gian, khi liều lượng của hóa chất trên cao hơn mức an toàn của cơ thể có thể chấp nhận được, nguy cơ bệnh ung thư sẽ xảy ra. Theo Ủy ban Khoa học Thực phẩm châu Âu, 3-MCPD được xếp vào hạng hóa chất có nguy cơ gây ung thư và di truyền. Vì vậy, sự hiện diện của hóa chất này trong cơ thể phải được hạn chế tối đa.
Urea, nitrite, nitrate: Urea là một loại phân hóa học có nhiều chất đạm (nitrogen) còn có tên do nông dân thường gọi là phân “lạnh”. Urea rất cần thiết cho việc trồng lúa, nhưng sự lạm dụng phân bón trong nông nghiệp đã làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Qua quá trình phản ứng trong đất và nước, dư lượng urea sẽ biến thành nitrite và nitrate. Chất sau này là nguyên nhân chính của hiện tượng “Blue baby syndrome”, nghĩa là một bệnh về máu của trẻ sơ sinh.
Urea cũng có đặc tính phụ là kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn cho nên đã bị lạm dụng để bảo quản thực phẩm như tôm cá, giữ được sắc còn tươi dù đã để lâu ngày. Người dân đánh cá mang urea theo dùng để thay thế nước đá. Còn nitrite, đã được sử dụng làm cho cây trái, rau đậu được tươi xanh. Hóa chất trên là mầm mống của ung thư, nhất là ở dạ dày và ruột già.
Chì, thủy ngân, arsenic: Ba hóa chất này là 3 kim loại độc hại có mặt trong nguồn nước qua nguồn phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, một số kỹ thuật chế biến không đúng cách cũng làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Và đây là một nguy cơ ung thư rất lớn.
Hóa chất bảo vệ thực vật: Phổ biến nhất hiện nay là các hóa chất bảo vệ thực vật, các hóa chất trừ sâu. Đây là loại thuốc cho phép sử dụng ở mức độ an toàn, tuy nhiên người sử dụng vì lợi nhuận không tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc rau an toàn, không đảm bảo thời gian cách ly của các hóa chất có thời gian phân hủy dài, thu hoạch quá nhanh và sớm.
Hai loại hoá chất bảo vệ thường dùng ở nước ta là endo sulfan và metamidophos (chất sau này còn có tên thương mại là monitor). Monitor là một hoá chất bảo vệ thực phẩm gốc phosphor rất độc đối với hệ thần kinh và nội tạng. Người tiêu dùng thực phẩm có thể bị ngộ độc cấp tính như tức ngực, khó thở, chảy nước mũi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, rối loạn nhịp tim...
Khi các chất này tích tụ trong cơ thể lâu ngày có nguy cơ gây ngộ độc mạn tính, phá hủy các cơ quan nội tạng và đưa đến ung thư.
Các phẩm màu trong thực phẩm: Trong thực phẩm, màu giữ một vai trò rất quan trọng, làm cho sản phẩm bắt mắt hơn, gây chú ý cho người mua và gây ảnh hưởng tốt về phẩm chất của món hàng. Có hai loại màu: Màu tổng hợp và màu thiên nhiên. Màu thiên nhiên được trích từ các mô của cây cỏ, nhưng có thể biến đổi màu thời gian, nhiệt độ, ánh sáng... nên không giữ được màu bền đẹp. Còn màu tổng hợp rất bền không bị tác dụng do thời gian, nhiệt độ hay ánh sáng nên các nhà sản xuất thực phẩm rất thích dùng loại màu tổng hợp này. Các màu tổng hợp được dùng để nhuộm đỏ như sudan hay rhodamine... là một trong những hóa chất có nguy cơ gây ung thư.