Tan mộng... đổi đời!

(Baohatinh.vn) - Giấc mộng đổi đời luôn là niềm khát khao, mong mỏi của nhiều người. Với những người dân vùng nông thôn, niềm mong ước đó lại càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Đó lý do vì sao cơn sốt xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở vùng nông thôn lại đang nổi lên mạnh mẽ như hiện nay. Nhưng cũng chính vì nôn nóng, nhiều người đã sơ suất, thiếu tìm hiểu thông tin chính xác để rồi tự biến mình thành những món mồi béo bở...

Từ tháng 9/2012 - 4/2013, các anh: Phan Duy Hoàng, Bùi Đức Thành, Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Đình Hà, Bùi Bá Dũng cùng ở Phù Việt (Thạch Hà) đến đăng ký và nộp tiền tại Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế VIPEC (số 56, đường Vũ Quang, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) để được đi XKLĐ. Dù chi nhánh công ty này không được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép đưa người Việt Nam đi lao động và làm việc ở nước ngoài (giữa hai Chính phủ Việt Nam và Angola chưa ký kết hợp đồng lao động phổ thông) nhưng Nguyễn Duy Tiệp (SN 1985, xã Phù Việt) giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Xuân Hậu (SN 1985 - TP Vinh, Nghệ An) là Phó tổng giám đốc vẫn lợi dụng danh nghĩa công ty giao nhiệm vụ cho nhân viên tìm người có nhu cầu, vận động họ sang Angola làm việc.

Nguyễn Duy Tiệp tại cơ quan điều tra.
Nguyễn Duy Tiệp tại cơ quan điều tra.

Những ưu đãi cho người lao động như ký hợp đồng trong thời gian 3 năm, gia hạn từng năm một có thể đến 10 năm cùng mức lương “khủng” 700-1.200 USD/người/tháng; được chủ bao ăn, ở; thời gian xuất cảnh chậm nhất chỉ 2 tháng... như rót mật vào tai 5 con người muốn thoát khỏi cuộc sống mưu sinh đầy vất vả. Chi phí trọn gói cho mỗi chuyến đi là 129 triệu đồng, các nạn nhân đã nhẹ dạ cả tin trao cho Tiệp và Hậu tổng số tiền 319 triệu đồng.

Nhận được tiền, Nguyễn Duy Tiệp và Nguyễn Xuân Hậu chỉ dùng một phần làm visa có thời hạn 1 năm cho anh Phan Duy Hoàng và Bùi Đức Thành, số còn lại sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau khi 2 nạn nhân lên máy bay cũng là lúc Tiệp và Hậu chối bỏ hết trách nhiệm.

Ra sân bay xuất ngoại nhưng không được cầm trong tay bản hợp đồng lao động như phía công ty hứa hẹn, nghi ngờ đã bị lừa, anh Hoàng và anh Thành vội vàng hủy bỏ chuyến đi và yêu cầu Tiệp, Hậu trả lại tiền. 3 nạn nhân còn lại sau khi biết Công ty VIPEC chỉ làm visa trong 1 năm không đúng như cam kết, đã nhiều lần tìm đến Nguyễn Duy Tiệp và Nguyễn Xuân Hậu. Song, số tiền mồ hôi, nước mắt của họ vẫn “bặt vô âm tín”.

Quá phẫn nộ trước hành vi lừa đảo trắng trợn của vị Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty VIPEC, anh Bùi Bá Dũng cùng Nguyễn Đình Hà đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Ngày 3/7/2014, TAND tỉnh đưa Nguyễn Duy Tiệp và Nguyễn Xuân Hậu ra xét xử với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa, 2 bị cáo đưa ánh mắt sợ hãi đối diện hội đồng xét xử, bàn tay run rẩy nắm chặt lấy vành móng ngựa. Dưới hàng ghế dự khán, các nạn nhân vẫn còn hiện rõ nét thất thần trên gương mặt, những đôi mắt trũng xuống đầy lo âu, suy nghĩ. Để có tiền làm thủ tục đi XKLĐ, gia đình 5 con người “khốn khổ” này đã phải chạy vạy khắp nơi. Ngoài số tiền vay mượn họ hàng, không ít người trong số họ phải đánh liều vào ngân hàng…

Phiên tòa kết thúc bằng bản án 4 năm tù giam cho Nguyễn Duy Tiệp và 24 tháng tù treo cho Nguyễn Xuân Hậu. Kẻ phạm tội đã phải chịu sự trừng trị thích đáng của luật pháp nhưng trên khuôn mặt những người bị hại vẫn canh cánh nỗi âu lo, pha lẫn nuối tiếc!

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Cho rằng chuyện vợ bán nghé không thông báo là thiếu tôn trọng chồng con, bị cáo Mai Văn Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nhẫn tâm xuống tay, tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối”.
Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Để phòng ngừa tình trạng cháy nổ vào mùa hanh khô, Công an Hà Tĩnh đã tiếp tục đưa ra khuyến cáo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với "bà hoả".
Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sau khi thực hiện đăng ký kinh doanh trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến đã nhận được cuộc gọi lừa đảo của các đối tượng.