Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống lãng phí

(Baohatinh.vn) - Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Hà Tĩnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký ban hành chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống lãng phí.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, xác định rõ hơn trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí, nhất là từ khi có Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Kế hoạch số 246-KH/TU ngày 1/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác, sử dụng các nguồn lực ở địa phương, đơn vị được nâng lên. Ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập, chấp hành dự toán và quyết toán; việc mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện đi lại trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn; công tác quản lý các dự án đầu tư sử dụng đất đai, vốn, tài sản nhà nước tiếp tục được tăng cường; ý thức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Hà Tĩnh.

1730177014327-11433429102024.jpg
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng lãng phí còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển. Việc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là về chế độ quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, quản lý vốn, tài sản nhà nước… có lúc, có nơi chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm.

Việc xử lý các vướng mắc của một số dự án tồn đọng, một số dự án không triển khai còn chậm và chưa quyết liệt. Thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hồ sơ một số khâu chưa nghiêm, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện, thông suốt dẫn tới lãng phí thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, còn để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, né tránh, đùn đẩy, chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao, làm lãng phí cơ hội phát triển của địa phương. Việc quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản chưa thực sự hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, tài sản nhà nước.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan như: Cơ chế, chính sách, pháp luật nhiều bất cập, chưa thống nhất, chồng chéo, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện… nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là: Vai trò, trách nhiệm của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về phòng, chống lãng phí chưa đầy đủ. Công tác quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng… có lúc, có nơi chưa tốt. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra liên quan đến phòng, chống lãng phí còn chậm. Việc xử lý lãng phí chưa được đề cao; chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng nguồn lực phục vụ phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên bám sát chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để triển khai thực hiện quyết liệt, đột phá, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ, đưa công tác phòng, chống lãng phí trở thành việc làm thường xuyên, tự nguyện, tự giác trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, phục vụ tốt nhất cho công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ phát triển - kinh tế xã hội của địa phương; cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, nhất là sự nêu gương của người đứng đầu cơ quan, tổ chức về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quán triệt, thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, có vị trí quan trọng. Việc phòng, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để, được đánh giá định kỳ.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống lãng phí thuộc phạm vi mình quản lý, phụ trách. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định dự toán, phân bổ, quản lý thu, chi Ngân sách Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư công. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây thất thoát, lãng phí.

2. Tập trung rà soát, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức triển khai hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí, với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển”. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; cải cách, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; tối ưu hóa quy trình làm việc. Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tránh thất thoát, lãng phí, và những tác động tiêu cực. Công khai, minh bạch, nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu gây thất thoát, lãng phí ngân sách, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài sản công.

3. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 189-QĐ/TW, ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Kịp thời rà soát toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và xây dựng phương án xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước. Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đối với những dự án không triển khai, vi phạm thì xem xét đề xuất thu hồi, tránh lãng phí.

4. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về phòng, chống lãng phí, nhất là những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận trái chiều. Tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài chính, tài sản công.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát của cộng đồng dân cư; kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức; thực hiện tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội, quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và của mỗi cá nhân, gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật; khuyến khích Nhân dân đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.

5. Bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh với yêu cầu tích cực, khẩn trương, sớm chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí. Trước mắt lựa chọn những nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để tập trung chỉ đạo, tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn tỉnh.

6. Căn cứ chỉ thị, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, thủ trưởng các ban, sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các cấp, các ngành kịp thời chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch đề ra chỉ tiêu cụ thể và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động, tích cực, khẩn trương tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống lãng phí ở địa phương, đơn vị.

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.