Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí

(Baohatinh.vn) - Theo thông tin từ Sở TT&TT Hà Tĩnh, từ hôm nay (1/12/2020), Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản có hiệu lực.

Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Tĩnh Phạm Văn Báu cho biết: Nghị định 119/2020/NĐ-CP (Nghị định 119) thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (Nghị định 159).

Một trong những điểm mới của Nghị định số 119 là việc điều chỉnh tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm và phù hợp với yêu cầu thực tế.

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí

Thanh tra Sở TT&TT Hà Tĩnh phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh vừa tổ chức làm việc và xử lý vi phạm đối với chủ thể trang thông tin điện tử tổng hợp có tên miền http://hatinhnews.info.

Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích

Thời gian qua, vẫn có tình trạng một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, gây mất uy tín, hình ảnh của báo chí, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nghị định 119 được ban hành đã đáp ứng nhu cầu thực tế, nhằm hạn chế, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí.

Theo đó, tại Nghị định 119, hành vi này được quy định rõ ràng, cụ thể hơn và phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các hành vi.

Điểm e, Khoản 4, Điều 8 của Nghị định 119 quy định phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng.

Điểm d, Khoản 5, Điều 8 của Nghị định, phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng nếu hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xử phạt đến 100 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật

Tin giả, thông tin sai sự đang là vấn nạn nghiêm trọng làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội. Khi các nền tảng số càng phát triển, thực trạng này càng diễn biến phức tạp.

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí

Thanh tra Sở TT&TT Hà Tĩnh phạt ông Bùi Đức Hiếu 5 triệu đồng vì vi phạm chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật...

Nhiều nguồn tin thiếu kiểm soát trên mạng xã hội đã được báo chí khai thác và đưa tin nghiễm nhiên không kiểm chứng. Cơ quan chức năng đã tích cực phối hợp, tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm, tuy nhiên các chế tài trước đây vẫn chưa đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe. Công tác xử phạt vi phạm hành chính chủ yếu tập trung vào mức phạt tiền tối đa đối với một số hành vi còn quá thấp, thiếu tính răn đe.

Do vậy, nếu trước đây, Nghị định 159 quy định mức phạt tiền đối với hai hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng từ 5 - 10 triệu đồng và đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ 20 - 30 triệu đồng, thì tại Nghị định 119, các mức phạt này được điều chỉnh tăng từ 3 đến 7 lần (từ 50 - 70 triệu đồng và từ 70 - 100 triệu đồng).

Ngoài ra, đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đối tượng sẽ phải chịu hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động từ 1 - 12 tháng thay vì từ 1 - 3 tháng theo Nghị định 159 trước đây.

Tăng chế tài xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm khác

Trong hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, Nghị định 159 chỉ cho phép phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định trong giấy phép trong hoạt động truyền hình trả tiền, song tại Nghị định 119, nếu thực hiện không đúng quy định tại giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ phải chịu mức phạt từ 30 - 50 triệu đồng.

Đối với liên kết trong hoạt động báo chí, Nghị định 119 quy định phạt tiền là từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động liên kết đối với chương trình phát thanh, truyền hình thời sự, chính trị, thay vì mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định của Nghị định 159 trước đây.

Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm khác được quy định tại Nghị định 119 cũng được điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền như: đăng, phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; đăng phát thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam;

Đăng, phát thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; đăng phát thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, đồi trụy; sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa, hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi…

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Cho rằng chuyện vợ bán nghé không thông báo là thiếu tôn trọng chồng con, bị cáo Mai Văn Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nhẫn tâm xuống tay, tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối”.
Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Để phòng ngừa tình trạng cháy nổ vào mùa hanh khô, Công an Hà Tĩnh đã tiếp tục đưa ra khuyến cáo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với "bà hoả".
Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sau khi thực hiện đăng ký kinh doanh trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến đã nhận được cuộc gọi lừa đảo của các đối tượng.