Tết gọi những yêu thương

(Baohatinh.vn) - Những ngày cuối tháng Chạp, khi không khí tết đã ngập tràn trên khắp các miền quê Hà Tĩnh, khi nhà nhà tất bật chỉnh trang để chào đón mùa xuân cũng là lúc lòng người rộn rã những yêu thương.

Tết là dịp để những người thân yêu trở về đoàn viên bên nhau.

Với mỗi người Việt, dù sinh sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu, khi tết đến, xuân về, gia đình, nguồn cội vẫn luôn là nơi để hướng về, để đong đầy những yêu thương. Những yêu thương đó lớn lao đến nỗi, với không ít người, chỉ cần nghĩ đến thôi đã vơi đi bao muộn phiền, lo toan trong cuộc sống, như một sự neo đậu, níu giữ lòng mình trước sóng gió cuộc đời.

Một năm với thật nhiều lễ, tết lớn nhỏ, nhiều kỳ nghỉ ngắn dài nhưng tết Nguyên đán, vẫn luôn có một vị trí đặc biệt bởi đó là gạch nối giao hòa giữa năm cũ và năm mới, là dịp để mọi người gói lại những bộn bề, tất bật của cuộc sống xô bồ và trở về bình yên, sum họp bên người thân, gia đình, trở về để tri ân nguồn cội.

Ai ở xa cũng mong ngóng trở về để được cảm nhận không khí rộn ràng của những ngày giáp tết. Đó là sự cẩn trọng, thành kính của cha khi sửa soạn ban thờ, chăm sóc mồ mả tổ tiên ông bà; là sự tất bật nhưng không kém phần chỉn chu của mẹ khi sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị hành kiệu, dưa muối, bánh mứt. Đó còn là sự náo nức của phố phường tràn ngập sắc hoa...

Nhưng có lẽ rộn ràng và háo hức nhất vẫn là cảm giác cùng người thân yêu quây quần trông nồi bánh chưng bên bếp lửa. Hương bánh chín tỏa ra thơm nức quyện hòa trong những câu chuyện về một năm tất bật mưu sinh hay những ước vọng về năm mới tốt lành. Khoảnh khắc ấy, thời gian như ngưng đọng, mọi lo toan thường nhật nhường chỗ cho tình thân ấm áp và ai cũng hiểu rằng, trên hành trình mưu sinh, qua những trạm dừng chân, nhà luôn là trạm cuối, là nơi duy nhất ai cũng muốn trở về.

Gia đình sum họp, con cháu quây quần dịp tết đến xuân về. Ảnh tư liệu.

Mang nỗi niềm háo hức chờ đợi trở về quê hương trong những ngày tết như bao người con xa quê khác, anh Lê Đình Quốc (quê Lộc Hà - đang làm việc ở TP Hà Nội) chia sẻ: “Dù đã gần 40 tuổi, đón không biết bao nhiêu cái tết ở những vùng miền khác nhau của đất nước nhưng cứ vào độ giáp tết, tôi không khỏi nôn nao nhớ hương vị những ngày tết quê nhà. Có lẽ, hương vị ấy đã hòa quyện trong hương vị của tình thân. Với tôi, một cái tết sung túc không chỉ ở những mâm cỗ thịnh soạn mà còn ở sự tròn đầy của tình cảm gia đình, quê hương”.

Hương vị tết giản dị mà cứ thế thấm sâu vào ký ức, vào tâm hồn mỗi người, để mỗi dịp tết đến xuân về, người ta lại không khỏi mong nhớ về quê hương nguồn cội, đó là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người con đất Việt.

Tết về không chỉ mang theo những niềm vui đoàn tụ, những ấm áp của sự sum vầy mà còn là dịp để mọi người mở lòng mình san sẻ yêu thương, lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng xã hội. Với phương châm để mọi nhà đều có tết, đã thành thông lệ hằng năm, những ngày này, các đoàn công tác của lãnh đạo Trung ương, địa phương, các đoàn thiện nguyện ở khắp mọi miền lại lên đường mang theo những món quà tết ấm áp đến với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng tặng quà, chung vui “Tết sum vầy” cùng người lao động TP Hà Tĩnh.

Dịp tết này, hơn 4.880 suất quà tết cho người nghèo đã được Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh phân bổ cho các địa phương; hơn 13.500 suất quà các cấp công đoàn dành tặng đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh; 20.800 suất quà tết cho đối tượng yếu thế được hội chữ thập đỏ các cấp huy động... Các chương trình “Tết Nhân ái”, “Tết sum vầy”, “Xuân biên cương”, “Tết yêu thương”... được các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm đồng loạt tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh đã mang không khí xuân ấm áp, sẻ chia cùng hàng chục nghìn suất quà ý nghĩa đến người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

Là một trong những hộ nghèo được tham gia mua hàng miễn phí tại “Phiên chợ 0 đồng” trong khuôn khổ chương trình “Tết Nhân ái xuân Giáp Thìn 2024” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức, bà Chu Thị Thiển (SN 1956, tổ dân phố Đỗ Gỗ, phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh) xúc động: “Chồng mất khi mới 32 tuổi, một mình tôi nuôi đứa con bị tật nguyền với sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Tết năm nay, mẹ con tôi may mắn được mua sắm miễn phí một số mặt hàng, tết nhờ thế cũng đủ đầy, ấm áp hơn nhiều”.

“Phiên chợ 0 đồng” của các cấp hội chữ thập đỏ mang tết đủ đầy hơn cho những người dân nghèo.

Những con số quà tết, những chia sẻ chân tình của người dân khiến ai trong chúng ta cũng cảm thấy ấm lòng bởi trải qua một năm nhiều khó khăn, cộng đồng vẫn rộng mở tấm lòng, chung tay sẻ chia tết ấm cho người nghèo. Tình yêu thương, sự sẻ chia cứ thế được trao đi, không ngừng nhân lên và lan tỏa.

Anh Nguyễn Mạnh Hải - Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Cung ứng nhân lực Thành Sen (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Là doanh nghiệp nhỏ, năm qua chúng tôi không tránh khỏi sự tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế nhưng đã thành thông lệ, mỗi dịp lễ tết, công ty vẫn trích một phần nhỏ lợi nhuận để tặng quà tết cho người nghèo, với mong muốn chung tay cùng cộng đồng xã hội mang tết đến cho những hoàn cảnh kém may mắn. Mong rằng, năm mới đến sẽ mang theo bình an, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà”.

Tết cổ truyền ngày nay dù có nhiều phong tục đã đổi khác so với ngày trước, nhưng trong tâm thức của mỗi người, tết vẫn luôn mang những ý niệm đẹp đẽ, gợi lên bao nỗi niềm, ước mong tốt lành. Tết đến, xuân về gọi yêu thương, sự sẻ chia để cuộc sống thêm tròn đầy.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói