Thăm Di tích Nhà tù Sơn La - chứng tích hào hùng của cách mạng Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Trong nắng ấm của những ngày tháng 3, hòa cùng dòng người đến thăm Di tích Quốc gia đặc biệt - Nhà tù Sơn La, chúng tôi lại trào dâng biết bao cảm xúc khi chứng kiến những chứng tích lịch sử minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh cách mạng hào hùng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên trung.

Clip: Nhà tù Sơn La.

Năm 1908, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù Sơn La trên đỉnh đồi Khau Cả (tiếng Thái nghĩa là vững chắc), nay thuộc tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La). Nhà tù chủ yếu để giam cầm thường phạm với diện tích 1.217m2. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo Nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống lại chế độ áp bức của thực dân Pháp, Nhà tù Sơn La được chuyển thành Nhà ngục Sơn La với mục đích biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sỹ cộng sản Việt Nam.

Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.184 m2. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một “địa ngục trần gian” gồm các hạng mục: cổng chính và tường rào bao quanh; hệ thống chòi canh gác; hệ thống phòng phạt giam trên mặt, dưới lòng đất; khu sân chung nhà tù...

Những hàng rào kiên cố được bọc dây thép gai, gắn mảnh sành để ngăn tù nhân bỏ trốn

Chòi canh được xây cao để có thể quan sát toàn bộ khuôn viên nhà tù.

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp thiết kế 49 phòng giam to nhỏ khác nhau. Trải qua 2 lần tàn phá bằng bom của giặc, di tích Nhà tù Sơn La không còn nguyên vẹn nhưng những bức tường nhà ngục đổ nát vẫn còn giá trị minh chứng cho tội ác dã man của kẻ thù.

Nhà tù xây dựng khá kiên cố, những bức tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, có độ dày từ 40-60cm, mái được lợp bằng ngói hoặc tôn nhưng không có hệ thống trần khiến nơi đây nóng nực vào mùa hè và lạnh thấu da thịt vào mùa đông.

Thực dân Pháp còn thiết kế những phòng giam đặc biệt, được gọi là “xà lim nổi trên mặt đất“ với chiều dài khoảng 1,6m, chiều rộng và chiều cao cũng hơn 1m và cuối các phòng để một thùng đựng chất thải không có nắp đậy. Cao điểm nhất, trong 1 phòng giam đặc biệt này, thực dân Pháp đã giam đến 4 tù nhân. Khi đó, tù nhân chỉ có thể đứng lom khom, ngồi bó gối hoặc thay nhau nằm co.

Tại nhà tù Sơn La, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều trại giam, đặc biệt là khu xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3,5m với diện tích 110m2. Đây là một trong những khu tăm tối nhất của nhà tù.

Thực dân Pháp đã thiết kế tinh vi khu xà lim này khi bên trên tầng 2 là khu bếp nấu ăn của nhà tù, tầng dưới là nhà kho chứa lương thực. Mỗi xà lim cá nhân thường dùng để phạt giam có sàn nằm dài 1,6m, rộng 60cm, chỉ có một lỗ thông hơi ở phía sát trần có gắn song sắt và lưới mắt sàng nhìn ra đường lính đi tuần.

Khi cánh cửa gỗ đóng lại thì mỗi xà lim cá nhân trở thành một cái hộp kín, tù nhân phải nằm co và cũng khó phân biệt ngày và đêm.

Khu hầm ngầm này còn có 2 xà lim tập thể ở hai đầu, trong đó có một xà lim tối. Mỗi khi cánh cửa sắt khép lại phòng giam sẽ trở thành một hộp kín thiếu ô xy, không có ánh sáng, chúng dùng để giam những tù nhân mà chúng cho là “đặc biệt nguy hiểm”.

Nơi thị uy các tù nhân trốn trại được thực dân Pháp đặt ngay gần cửa ra vào nhà tù

Trong 15 năm (1930 - 1945), thực dân Pháp đã giam giữ 14 đoàn tù chính trị, với tổng số 1.013 lượt tù nhân tại đây. Nơi đây đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng những chiến sĩ cộng sản xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn...

Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng, nhưng vượt lên trên gông cùm và tội ác của thực dân Pháp, những người cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến những phòng giam lạnh lẽo thành tổ ấm, thắm tình đồng chí của những bạn tù. Nhà tù Sơn La chính là biểu tượng của ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng bào Sơn La và của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Di tích nhà tù Sơn La gắn liền với tinh thần cách mạng của đồng chí Tô Hiệu. Ông bị giặc xếp vào phần tử nguy hiểm và biệt giam trong một gian chéo góc của nhà tù Sơn La. Trong suốt 4 năm trong nhà ngục Sơn La, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ cách mạng, sau đó tham gia cách mạng. Cây đào ở nhà tù Sơn La được đặt tên Tô Hiệu vào năm 1945 - khi cách mạng đã thành công nhằm tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sỹ kiên cường.

Năm 2014, Nhà tù Sơn La được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, tại di tích lịch sử nhà tù Sơn La đã đón tiếp hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập… nhằm nhắc nhở thế hệ nối tiếp sống và làm theo những tấm gương anh hùng, tiếp tục đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Chủ đề Di chỉ - Khảo cổ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói