Bác Hồ nói chuyện với các em thiếu niên, nhi đồng. Ảnh tư liệu
Bác Hồ luôn luôn rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng. Người đã từng nói: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như vàng càng mài càng sáng, ngọc càng luyện càng trong".
Từ những ngày "cháo bẹ măng tre" ở chiến khu Việt Bắc cho đến lúc từ giã cuộc đời để về với thế giới người hiền, Bác Hồ đã thường xuyên chú trọng giáo dục đạo đức cho những cán bộ cách mạng. Từ thực tiễn hoạt động, Người đã đúc rút ra kinh nghiệm lớn: nếu cán bộ tốt thì mọi việc được Đảng và nhân dân giao phó đều làm tròn trọng trách. Bởi thế, đạo đức cách mạng là yếu tố quan trọng hàng đầu của những người làm cách mạng, nó là nền tảng để cán bộ vượt qua được mọi thử thách, chông gai, lửa thử vàng gian nan thử sức. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã đưa ra hình ảnh mà ai đọc cũng thấy thấm thía: Sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...
Đạo đức cách mạng không phải là khái niệm trừu tượng, nó được hình thành từ một thế giới quan và nhân sinh quan. Những người cán bộ cách mạng là những người luôn có hoài bão lớn, chí "tiến thủ" lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng một xã hội mới, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và làm cho đất nước phồn vinh. Tuy nhiên, để làm được điều đó là cả một quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài và gian khổ.
Trải qua chặng đường dài trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chúng ta rất tự hào về những người cộng sản đã nêu cao đạo đức cách mạng của Bác Hồ như các đồng chí Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Gia Tự… cùng với hàng trăm chiến sĩ kiên trung bất khuất tại các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Lao Bảo, Sơn La… Họ đã vì Tổ quốc, vì nhân dân, dám hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, trước lúc hy sinh còn dặn dò anh em: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!. Giở trang sử nước nhà, đằng sau sự vinh quang chói lọi ấy là kết tinh bao nhiêu máu đào của các anh hùng liệt sĩ từ Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thấm sâu vào thế hệ trẻ Việt Nam khi được Đảng và Bác Hồ đưa đường, chỉ lối. Khi mỗi cán bộ, đảng viên được tôi luyện trong "lò lửa" của cuộc chiến tranh, khi họ đã có đạo đức cách mạng thì họ có đủ sức mạnh để tập hợp nhân dân cả nước đứng lên tiêu diệt quân thù và giành lấy tự do, độc lập. Nhân dân có thể hy sinh tính mạng và của cải để bảo vệ "quyền sống, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc"’ của mình.
Đạo đức cách mạng của Bác Hồ được hình thành từ truyền thống gia đình, quê hương, suy rộng ra đó là sự kết tinh giá trị truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Một câu nói cảm động của Bác Hồ đã ăn sâu vào tâm khảm nhiều người: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Lúc sinh thời cũng như trước lúc đi xa, Bác đã nhiều lần nhắc nhở: đã là cán bộ, đảng viên phải là “công bộc” của dân; “Mỗi cán bộ, đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Trong Di chúc, Người cũng căn dặn "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết". Bác Hồ rất tin ở lớp trẻ, những người đứng lên thay thế cha ông mình làm chủ đất nước và luôn hướng tới một mục tiêu "Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh". Muốn lớp trẻ tin và kế tục sự nghiệp cách mạng, trước hết chúng ta phải tập trung quyết liệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh. Chúng ta phải ra sức học tập đạo đức cách mạng của Bác Hồ.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng đã và đang đi vào cuộc sống, chính là "cẩm nang" để mỗi cán bộ, đảng viên đoàn kết hơn nữa, thắt chặt hơn nữa, tiếp tục chống mọi thế lực thù địch, chống mọi âm mưu "diễn biến hòa bình" .
"Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch". Nhớ lời Bác dặn, chúng ta cần tập trung quyết liệt trong công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình, đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực, tham nhũng và "lợi ích nhóm". Mặt khác cũng cần nêu gương tốt, biểu dương kịp thời những nhân tố điển hình trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Dẫu biết rằng cuộc đấu tranh đối với sự suy thoái về đạo đức, mơ hồ về lý tưởng, chạy đua theo lối sống thực dụng của một số bộ phận không nhỏ là một cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp nhưng chúng ta tin rằng, được lý tưởng của Bác Hồ soi sáng, được nhân dân đồng tình ủng hộ, Đảng ta sẽ mạnh hơn lên và sẽ giành được những thắng lợi mới trên mặt trận này.