Cứ mùa mưa lũ đến, ông Phan Trọng Thuật lại di chuyển đồ đạc lên chạn.
Nằm hai bên bờ sông Ngàn Sâu, xã Hương Thủy (Hương Khê) là một trong những địa bàn xung yếu nhất của lũ lụt, sạt lở đất. Mỗi năm, bình quân địa phương này phải hứng chịu 3 - 4 trận lũ. Mới đây, toàn xã có trên 300 vườn, chuồng trại bị ngập; hàng trăm điểm dọc tuyến sông Ngàn Sâu bị sạt lở đất nghiêm trọng. Song, trên địa bàn không có thiệt hại đáng tiếc nào xảy ra.
Chúng tôi đến thăm ông Phan Trọng Thuật - thôn 9, xã Hương Thủy (Hương Khê) khi cơn lũ đi qua hơn 10 ngày, căn nhà vẫn “vườn không nhà trống”. Vườn cây thì nước lũ dâng vùi lấp chưa khôi phục lại, trong nhà chỉ duy nhất chiếc bàn thờ đã được ông sửa soạn lại ngăn nắp, còn lại tất cả mọi thứ từ giường, quần áo, lúa gạo, giống má… đều vẫn gác cao trên chạn.
Dù cơn lũ đã đi qua, ông vẫn cảnh giác chưa hạ đồ dùng xuống nhà.
“Bắt đầu vào mùa mưa lũ là tôi đã di chuyển dần đồ đạc, giống má, lúa ngô lên chạn để cất giữ, chủ động "chạy lũ“. Mùa này, phải liên tục cập nhật thời tiết, lắng nghe cảnh báo từ hệ thống phát thanh của xã để liệu tình hình. Khi nước sông lên thì chúng tôi đưa trâu bò lên đồi núi cao, những vật dụng không thể kê gác thì bỏ lên thuyền, néo cố định, còn người thì di chuyển lên chạn cho đến khi nước rút” - ông Thuật cho biết.
Nhà ông ở ngóc ngách nào cũng bố trí thêm chạn để kê gác đồ đạc, từ chuồng trại, nhà chính, nhà bếp… Đó là nơi trú ẩn an toàn cho người và tài sản gia đình vào mùa lũ dữ. Ông bảo, bao giờ đông rét đến thì mới yên tâm chuyển đồ xuống đất.
Xã Hương Thủy còn phải đối mặt với cảnh sạt lở đất nghiêm trọng sau trận lũ lụt năm 2020.
Ông Ngô Xuân Tân - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết: “Tuy nằm trong địa bàn xung yếu, song nhờ triển khai sớm công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là phát huy được năng lực chỉ huy, điều hành, xử lý các tình huống tại chỗ nên xã đã giảm thiếu được tối đa thiệt hại. Qua mỗi đợt lũ lụt, ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của cộng đồng thôn, xóm, hộ gia đình đến tận người dân được nâng cao, hỗ trợ địa phương thực hiện tốt công tác “4 tại chỗ” theo tinh thần của đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.
Người dân xã Cẩm Nhượng được huy động ứng cứu gia cố kè Cẩm Nhượng (ảnh: Phan Trâm)
Giữa lúc các địa phương vùng núi đang bị đe dọa bởi lũ lụt, sạt lở đất thì vào những ngày cuối tháng 10/2020, người dân miền biển Cẩm Nhượng lại kéo nhau đi “vá” kè bờ biển. Suốt trong 5 ngày (21 - 25/10), xã đã huy động hàng trăm lượt người dân tham gia ứng cứu, dùng rọ sắt gia cố lại đoạn kè qua đoạn thôn Hải Nam (xã Cẩm Nhượng) để bảo vệ làng mạc.
Ông Nguyễn Thừa Cương - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Cẩm Nhượng cho biết: “Trước mùa mưa bão năm nay, hơn 200 người dân đã được Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Đây là những tư liệu quý báu giúp người dân chủ động hơn để tăng khả năng chống chịu, ứng phó và huy động lực lượng cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai”.
Công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho mỗi người dân về khả năng ứng phó mà còn huy động sức mạnh từ cộng đồng về phòng chống thiên tai (ảnh: Phan Trâm)
Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” bắt đầu được triển khai từ năm 2009 theo Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009. Đề án đã tạo ra khuôn khổ hành động và phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương ứng phó chủ động với thiên tai.
Tại Hà Tĩnh, đến nay, trên 180 xã, phường đã được tập huấn, bổ sung kiến thức về phòng tránh thiên tai. Riêng trong năm 2020, BCĐ PCTT&TKCN đã tổ chức tập huấn tại 17 xã, phường với trên 2.000 người dân tham gia.
Diễn biến của BĐKH vẫn luôn rập rình những nguy cơ gây tổn thương cho người dân Hà Tĩnh. Tuy nhiên, với sự chủ động ứng phó, không khó khăn nào là không thể vượt qua.
Đối với công tác quản lý rủi ro thiên tai, tiêu điểm luôn là cộng đồng địa phương. Bởi vậy, cần phải bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức và kiến thức cho người dân trong lĩnh vực PCTT để góp phần làm tăng khả năng chống chịu cho cộng đồng và cho chính gia đình của họ. Từ đó, nâng cao nâng cao ý thức chấp hành của người dân đối với các chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền cơ sở và phát huy tốt hơn phương châm “4 tại chỗ” tại địa phương.
Tin liên quan: