Trẻ em vùng lũ Hà Tĩnh đã quen với cảnh sống trên mái nhà mùa lũ về. (Ảnh Dương Chiến).
Người dân ở hầu hết các địa phương của Hà Tĩnh đều đã quen với những cơn bão, trận lũ triền miên. Thế nhưng, đợt lũ những ngày gần đây đến quá nhanh, vẫn khiến cho nhiều gia đình trở tay không kịp. TP Hà Tĩnh chưa bao giờ chìm trong biển nước với mức độ và thời gian kéo dài đến thế.
Trong những đợt mưa lũ trước, khu phố gia đình chị Mai Anh (phường Trần Phú) ở vốn là nơi cao ráo của thành phố, thế mà trong đợt lũ lịch sử này, nước đã tràn vào nhà gần 1m. Hai ngày chìm trong biển nước, nhà lại mất điện, chồng đi làm xa, chị Mai Anh và con trai gần như bị cô lập với bên ngoài.
Khi được đội cứu hộ đến tiếp tế lương thực và hỗ trợ di chuyển về nhà người quen ở khu vực an toàn, chị Mai Anh cho biết: “Những ngày bị cô lập, nước lên mỗi lúc một cao, tôi rất lo lắng nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh để trấn an con trai. Trong câu chuyện của mình, tôi nói với con về nguồn gốc của thiên tai, hướng dẫn cháu một số kỹ năng ứng phó khi gặp tình huống nguy hiểm như hai mẹ con đang gặp phải”.
Đảm bảo an toàn cho trẻ em trong cơn lũ dữ là điều mà người lớn phải đặc biệt quan tâm. (Ảnh Thu Trang).
Chị Mai Anh cũng không quên dạy con ý thức bảo vệ môi trường; góp phần hạn chế thiên tai, dịch bệnh bằng những thói quen sống lành mạnh. “Dù sao, những ngày này cũng là một trải nghiệm đáng nhớ, để lại cho con những bài học thực tế mà không một lý thuyết nào có thể dạy được” - chị Mai Anh chia sẻ.
Cũng gặp tình cảnh tương tự như mẹ con chị Mai Anh, nhưng có lẽ điều mà con gái chị Thu Hường (phường Nam Hà) nhận được là bài học về tình người trong cơn hoạn nạn.
Những ngày bị nước lũ cô lập, lương thực gần như cạn kiệt, chị Hường vô cùng cảm động khi bác hàng xóm lội nước mang phần cơm canh nóng hổi mà bác phải nhóm bếp nấu trên tầng 2 sang tiếp tế cho gia đình chị.
Nhìn con gái vui mừng nhận phần cơm từ bác hàng xóm và không quên lễ phép nói lời cảm ơn, chị Hường hiểu rằng, cô con gái 8 tuổi của mình đã học được bài học lớn về sự quan tâm, sẻ chia.
Trong những ngày mưa lũ, nhiều gia đình bị động, không kịp tích trữ lương thực, thực phẩm. Món ăn phổ biến của những gia đình vùng ngập lụt vẫn là mì tôm và thức ăn sẵn.
“Khá bất tiện nhưng trong những ngày đó, các con tôi cũng học được cách thích nghi với hoàn cảnh và chấp nhận khó khăn có thể gặp phải vì thiên tai, dịch bệnh có thể xảy đến bất cứ lúc nào” - anh Thành (phường Thạch Quý) cho biết.
Trong thiên tai, trẻ được trang bị thêm nhũng kỹ năng phòng tránh, tự bảo vệ.
Anh Thành cũng chia sẻ, bữa cơm tươm tất đầu tiên của gia đình sau khi nước rút, chưa bao giờ anh thấy các con ăn ngon lành, vui vẻ đến thế dù trước đó bọn trẻ rất lười ăn. Những ngày thiếu thốn, các bạn nhỏ dường như đã biết trân quý thức ăn hơn.
Dù mưa lũ, không được đến trường, phải cùng bố mẹ đối mặt với những thiếu thốn, nguy hiểm, nhưng với nhiều đứa trẻ, đó vẫn là những trải nghiệm đáng nhớ.
Kỹ năng về phòng tránh thiên tai, ý thức bảo vệ môi trường sống và sự quan tâm, sẻ chia với những người xung quanh sẽ là bài học ý nghĩa trong cuộc sống mà phụ huynh có thể giáo dục con trong những thời điểm khó khăn.