“Thành phố Hồ Chí Minh phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng”

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng thành phố sẽ phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất.

“Thành phố Hồ Chí Minh phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng”

Người và phương tiện tham gia giao thông trên đường Võ Thị Sáu, quận 3. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Sáng 15/8, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ phát động phong trào “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19” và ra mắt Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19.

Đoàn kết, chia sẻ hơn nữa để vượt qua đại dịch COVID-19

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã có những tác động lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân thành phố. Tuy nhiên, trong khó khăn đã chứng kiến những nỗ lực vượt khó và sức mạnh ý chí đoàn kết khi người dân thành phố và cả nước chung sức, đồng lòng, nắm chặt tay nhau chống đại dịch; cùng với sự kiên cường của đội ngũ y tế và các lực lượng tuyến đầu.

Thành phố đã vượt qua những khó khăn, lúng túng ban đầu, với sự hỗ trợ to lớn từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương bạn, sự hiến kế, góp ý của các nhà khoa học, đến giờ này thành phố đã thu được những kết quả quan trọng trong việc kiềm chế dịch bệnh.

Thành phố đã nỗ lực kiểm soát các ổ dịch và chuỗi lây nhiễm; kéo giảm số ca nhiễm mới; gỡ bỏ hàng trăm khu phong tỏa; thúc đẩy phong trào “kiểm soát và giảm được vùng đỏ, mở rộng vùng xanh”; tập trung đầu tư, củng cố, hoàn thiện hệ thống điều trị và đã chữa khỏi cho hơn 70.000 người; đồng thời đã tổ chức tiêm 4,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đạt 64% dân số trên 18 tuổi.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi gửi lời tri ân sâu sắc đến đồng bào thành phố, lực lượng y bác sỹ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tuyến đầu phòng, chống dịch; người dân mọi tầng lớp, lứa tuổi, các tổ chức chính trị-xã hội, tôn giáo; tổ chức thiện nguyện, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… đã nhiệt tình chia sẻ, đồng lòng, đồng hành cùng Thành phố trong công tác phòng, chống COVID-19 trong thời gian vừa qua.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh có lắng dịu nhưng còn rất phức tạp; số ca nhiễm vẫn còn cao; hệ thống điều trị quá tải và vận hành chưa đồng bộ; quy trình tiếp nhận và điều trị các ca bệnh có lúc, có nơi chưa kịp thời, tỷ lệ tử vong chưa giảm. Nguy cơ dịch tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn vẫn còn cao nếu mất cảnh giác, chủ quan.

Trong bối cảnh như vậy, thành phố sẽ ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch; đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Vì vậy, sẽ phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong; từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi đề nghị cán bộ, chiến sỹ, đồng bào thành phố chung sức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục huy động sự đồng lòng, chung sức và phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống dịch. Trách nhiệm đầu tiên quan trọng nhất là người dân phải chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách; chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và luôn tuân thủ thực hiện 5K.

Bên cạnh đó, trong thời gian tiếp tục giãn cách sắp tới, Thành phố sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của nhân dân; đồng thời phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả những người khó khăn có cuộc sống bảo đảm cơ bản.

Thành phố tiếp tục rà soát, mở rộng các bệnh viện dã chiến, điều chỉnh hệ thống 5 tầng điều trị phù hợp, khoa học, trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị để kịp thời cấp cứu bệnh nhân trở nặng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong.

Thành phố nỗ lực hết sức để bảo đảm yêu cầu tiêm chủng vaccine cho nhân dân; huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn vaccine hiện có, tiêm chủng kịp thời các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế cấp phép để mở rộng diện bao phủ vaccine .

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố khẳng định quán triệt và thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc,” ý thức tự phòng vệ của mỗi người là phòng tuyến quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định, là nhân tố quyết định thành bại của cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Cuộc chiến đấu với dịch bệnh còn rất khó khăn và mọi nỗ để chiến thắng dịch bệnh là chính từ nhân dân.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Phan Văn Mãi kêu gọi toàn thể đồng bào, nhân dân thành phố cùng chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn trước mắt, “đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa” để chống dịch và chiến thắng.

Lãnh đạo thành phố mong người dân thấu hiểu, vượt lên hoàn cảnh, bình tĩnh, cảm thông, đồng hành và thật sự tin tưởng vào cố gắng của chính quyền và ngành y tế để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, cùng nhau vượt qua đại dịch. Đồng thời, lãnh đạo thành phố yêu cầu cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, đoàn thể, đoàn viên, hội viên ở từng địa bàn khu phố, các tổ COVID cộng đồng phát huy vai trò nòng cốt trong việc động viên nhân dân tuân thủ thực hiện yêu các cầu phòng, chống dịch.

Với sự quyết tâm, đồng lòng, chung sức của nhân dân toàn thành phố, chắc chắn dịch COVID-19 sẽ được kiềm chế và đẩy lùi trong thời gian không xa và “chiến thắng thuộc về nhân dân thành phố."

Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân khó khăn

Cũng trong sáng 15/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ra mắt Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19 của Thành phố, nhằm kịp thời tiếp nhận, phân phối hàng hóa thiết yếu được tài trợ đến với người dân và các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19 đặt tại trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

“Thành phố Hồ Chí Minh phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng”

Hàng hóa, nhu yếu phẩm tiếp nhận từ các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ được kịp thời phân phối đến các địa phương trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19 được thành lập nhằm tiếp nhận, quản lý, phân phối các nguồn tài trợ hàng hóa (lương thực, thực phẩm…) của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và lực lượng tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối nguồn hàng tài trợ cho các đối tượng trên theo nguyên tắc “đúng đối tượng, đúng nhu cầu."

Tại lễ ra mắt Trung tâm, đại diện một số doanh nghiệp đã ủng hộ tiền mặt, hàng hóa, nhu yếu phẩm, thực phẩm… trị giá gần 200 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch của thành phố. Trong số đó, công ty Cổ phần Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ủng hộ các phần quà nhu yếu phẩm trị giá hơn 133 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam ủng hộ 25 tỷ đồng; Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố ủng hộ 40.000 phần quà trị giá 12 tỷ đồng…

Sau lễ phát động, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 22 đoàn công tác do lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên làm trưởng đoàn đến thăm, tặng quà, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của thành phố./.

Theo Xuân Khu (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.