Thế giới ngày qua: 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp

(Baohatinh.vn) - 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp; Sập mỏ tại Congo khiến ít nhất 36 người thiệt mạng... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 27/6 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp

Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ trong cuộc tranh luận đầu tiên tại Miami, Florida, ngày 26/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

10 ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp: Sáng 27/6 (giờ Việt Nam), tại thành phố Miami, bang Florida, 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ đã tham gia cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình.

Đây là bước chạy đà cho cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này để giành tấm vé đề cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Các ứng cử viên đã đưa ra quan điểm riêng về các vấn đề nổi cộm của nước Mỹ như chăm sóc sức khỏe, kinh tế, biến đổi khí hậu, bạo lực súng đạn, hồ sơ hạt nhân Iran và tình trạng di cư bất hợp pháp.

Buổi tranh luận thứ hai dự kiến diễn ra vào tối 27/6 (theo giờ Mỹ) với 10 ứng cử viên còn lại. Để được tham dự, các ứng cử viên phải đáp ứng một trong hai tiêu chí, hoặc là nhận được tỷ lệ ủng hộ tối thiểu là 1% trong 3 cuộc thăm dò dư luận hợp lệ hoặc nhận được tài trợ của 65.000 nhà tài trợ, trong đó có ít nhất 200 nhà tài trợ ở 20 bang khác nhau.

Thế giới ngày qua: 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp

Vụ việc xảy ra tại 1 mỏ lộ thiên của thuộc Tập đoàn khai thác mỏ Glencore. (Ảnh: Reuters)

Sập mỏ tại Congo khiến ít nhất 36 người thiệt mạng: Ít nhất 36 thợ mỏ thủ công đã thiệt mạng trong vụ sập 1 phần mỏ khai thác đồng và cô-ban tại tỉnh Lualaba, phía Đông Nam, Cộng hòa Congo ngày 27/6.

Vụ việc xảy ra tại 1 mỏ lộ thiên của thuộc Tập đoàn khai thác mỏ Glencore, khi nhiều thợ mỏ thủ công bí mật tiến vào hầm khai thác một cách bất hợp pháp.

Đại diện của Tập đoàn Glencore cho biết, các quan chức Chính phủ đang xem xét vụ việc và công ty sẽ sớm đưa ra tuyên bố. Ngay lập tức, cổ phiếu của Tập đoàn khai thác mỏ Glencore đã giảm hơn 7%, sâu nhất kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh thời gian qua hàng nghìn người khác mỏ bất hợp pháp hoạt động trong và xung quanh các mỏ tại miền Nam Congo.

Thế giới ngày qua: 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp

Cổng vào Tòa án Hiến pháp được tăng cường lực lượng an ninh và rào dây thép gai. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Tòa án Hiến pháp Indonesia bác bỏ khiếu nại ở cuộc bầu cử tổng thống: Ngày 27/6, Tòa án Hiến pháp Indonesia đã đưa ra phán quyết về khiếu nại kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 4 vừa qua.

Chánh án Tòa án Hiến pháp Anwar Usman chủ trì phiên tòa, đã công bố phán quyết cuối cùng vào cuối giờ chiều. Theo đó, hội đồng xét xử bác bỏ tất cả các khiếu nại của cặp ứng cử viên số hai Prabowo Subianto và Sandiaga Uno.

Với kết quả này, cặp ứng cử viên số 1 gồm đương kim Tổng thống Joko Widodo và người liên danh tranh cử Ma"ruf Amin sẽ lãnh đạo Indonesia trong giai đoạn 2019-2024.

Sau khi phán quyết cuối cùng được công bố, Hội đồng Hồi giáo Ulama Indonesia (MUI) đã kêu gọi công chúng chấm dứt sự chia rẽ trong đời sống xã hội do sự khác biệt trong lựa chọn quan điểm chính trị.

Thế giới ngày qua: 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ yêu cầu Ấn Độ rút lại quyết định tăng thuế: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/6 đã yêu cầu Ấn Độ rút lại quyết định tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, coi đây là động thái "không thể chấp nhận".

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump bày tỏ trông đợi cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để có thể phản đối việc New Delhi áp thuế rất mạnh tay đối với hàng hóa Mỹ trong suốt nhiều năm qua, thậm chí gần đây còn tăng thuế lên mức cao hơn.

Ông Trump nhấn mạnh: "Đây là điều không thể chấp nhận và mức thuế trên phải được rút lại".

Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ đã bác bỏ quan điểm trên của Tổng thống Trump, cho rằng mức thuế mà Ấn Độ đang áp dụng đối với hàng hóa Mỹ không cao so với các nước đang phát triển khác, trong khi mức thuế mà Washington áp đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Ấn Độ còn cao hơn nhiều.

Hiện Bộ Thương mại Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thế giới ngày qua: 10 ứng cử viên của đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp

Người dân Thụy Sĩ tránh nóng bên vòi phun nước. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nắng nóng ở châu Âu, nhiều nước nâng mức cảnh báo thời tiết cực đoan: Các nhà khí tượng học cho rằng luồng khí nóng từ Bắc Phi là nguyên nhân khiến nắng nóng như thiêu đốt xuất hiện vào đầu mùa Hè ở châu Âu.

Dự báo, nhiệt độ tại Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp sẽ lên tới trên 40 độ C trong các ngày 27 và 28/6 tới. Tại Tây Ban Nha, Cơ quan Khí tượng Aemet dự báo nhiệt độ tại 5 tỉnh miền Bắc nước này sẽ lên tới 42 độ C, kéo theo nhiều “rủi ro đáng kể”.

Đặc biệt, dự kiến đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất sẽ xảy ra vào ngày 28/6, khi 33 trong số 50 tỉnh nước này đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ có thể đạt mức 44 độ C tại Girona.

Trong khi đó, hàng trăm lính cứu hỏa và binh sỹ cùng với sự hỗ trợ từ 15 máy bay đang nỗ lực dập tắt đám cháy rừng bùng phát tối 26/6 tại khu vực Torre del Espanol ở tỉnh Tarragona, thuộc vùng Catalonia, phía Đông Nam Tây Ban Nha. Ngọn lửa lan nhanh do gió to và nhiệt độ 35 độ C tại khu vực này.

Giới chức địa phương buộc phải sơ tán người dân và yêu cầu tạm dừng hoạt động tại một vài tuyến đường. Theo giới chức vùng Catalonia, cháy rừng đã thiêu rụi 3.500 hécta rừng chỉ trong 6 giờ đồng hồ và mức độ thiệt hại có nguy cơ lên tới 20.000 hécta rừng.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.