Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein ngày 13/7 phát biểu trước báo chí. (Ảnh: AFP)
12 nhân viên tình báo Nga bị buộc tội can thiệp bầu cử Mỹ: Ngày 13/7, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố kết quả điều tra và chính thức kết tội 12 nhân viên tình báo Nga tấn công cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Nguồn tin trên nêu rõ 12 bị cáo này đều là thành viên Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU). Cáo trạng cho rằng nhóm nhân viên tình báo Nga đã tấn công hệ thống máy tính của đảng Dân chủ và John Podesta, Chủ tịch chiến dịch tranh cử tổng thống của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, rồi sau đó có ý làm rò rỉ thông tin qua các trang như WikiLeaks.
Những cáo buộc này được đưa ra bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu giám đốc FBI, người đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Moskva nhiều lần bác bỏ vấn đề này.
Bộ trưởng Quốc phòng Cameroon Joseph Beti Assomo. (Ảnh: camernews.com)
Đoàn xe chở Bộ trưởng Quốc phòng Cameroon bị tấn công: Đài phát thanh Cameroon ngày 13/7 đưa tin đoàn xe chở Bộ trưởng Quốc phòng nước này Joseph Beti Assomo đã bị mai phục khi đang đi công tác tại khu vực Kumba, một vùng hẻo lánh nói tiếng Anh ở phía Tây nước này.
Một số kẻ tấn công đã bị tiêu diệt, 4 binh sỹ và một nhà báo bị thương.
Cameroon là quốc gia chủ yếu nói tiếng Pháp. Trong thời gian qua, nước này rơi vào tình trạng bất ổn khi cộng đồng nói tiếng Anh tại hai tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc thúc đẩy những nỗ lực đòi độc lập.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Triều Tiên đề xuất Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc nối lại đường dây liên lạc: Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc ngày 13/7 dẫn một nguồn tin ngoại giao cùng ngày cho biết vào sáng 12/7, thông qua kênh liên lạc Panmunjom, Triều Tiên đã đề nghị phía Hàn Quốc truyền đạt với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc về đề xuất khôi phục đường dây điện thoại kết nối trực tiếp giữa quân đội nước này với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc.
Đường dây điện thoại trực tiếp giữa quân đội Triều Tiên với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc lần lượt được đặt ở Lầu Thống nhất (Tongilgak) phía Triều Tiên và văn phòng dành cho sỹ quan Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc ở phía Hàn Quốc, ở khu vực làng đình chiến Panmunjom. Tuy nhiên, đường dây điện thoại này đã bị cắt đứt vào năm 2013, khi Triều Tiên tuyên bố vô hiệu hóa Hiệp định đình chiến.
Do đó, mỗi khi Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc muốn thông báo với Triều Tiên đều phải sử dụng micro cầm tay để truyền đạt ở phía trước đường ranh giới quân sự liên Triều (MDL) ở Panmunjom.
Những người ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. (Ảnh: Reuters)
Quân đội Syria giành lại tỉnh Deraa: Quốc kỳ của Syria ngày 12/7 đã tung bay tại hầu hết các khu vực tại Deraa, là dấu hiệu về một chiến thắng vang dội nữa của Chính phủ nước này, hướng tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn đất nước.
Với nhiều người dân Syria, tỉnh Deraa chính là nơi khởi nguồn của cuộc nổi dậy mùa xuân Arab, khởi nguồn của cuộc khủng hoảng, vốn đã bước sang năm thứ 8 tại quốc gia Trung Đông này.
Ngày 12/7, quân đội Syria đã tổ chức Lễ thượng cờ “trang nghiêm” tại một địa điểm gần bưu điện thành phố – tòa nhà chính phủ duy nhất tại tỉnh Deraa từng bị lực lượng nổi dậy Syria kiểm soát từ những ngày đầu tiên khi cuộc nổi dậy mùa xuân Arập tràn tới nước này vào tháng 3/2011.
Thành viên lực lượng Taliban. (Ảnh: Reuters)
Nga cáo buộc Lầu Năm Góc tài trợ cho Taliban: Phản ứng trước tuyên bố của Mỹ rằng Nga đang hợp tác với Taliban, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng chính Mỹ đang giấu việc "tài trợ cho Taliban" ở Afghanistan. Bà nói có bằng chứng về việc Mỹ ủng hộ nhóm khủng bố này.
Bà Zakharova giải thích những báo cáo của giới chức Mỹ cho thấy một lượng lớn viện trợ quân sự Mỹ cho Kabul bị trộm và rơi vào tay "nhầm người". Những vũ khí bị xác định là đã mất có thể được dùng để trang bị cho "cả quân đội", bà nói.