Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) chỉ trích phóng viên Jim Acosta trong cuộc họp báo hôm 7/11. (Ảnh: AP)
Nhà báo CNN được khôi phục quyền tiếp cận Nhà Trắng: Ngày 16/11, một thẩm phán liên bang đã yêu cầu chính phủ Mỹ phục hồi thẻ báo chí để tham gia họp báo tại Nhà Trắng của phóng viên hãng CNN Jim Acosta, bị thu hồi sau cuộc đấu khẩu với Tổng thống Donald Trump.
Theo CNN, Thẩm phán Timothy Kelly đã ra phán quyết tạm thời khôi phục "thẻ cứng" của ông Acosta cho tới khi diễn ra một phiên tòa về vụ kiện hành động rút thẻ này.
CNN và nhiều hãng truyền thông khác, trong đó Fox News - hãng tin ưa thích của Tổng thống Trump, ủng hộ đơn kiện của CNN. Theo đơn kiện này, việc thu thẻ của nhà báo Acosta là hành động vi phạm các quyền tự do báo chí được quy định trong hiến pháp Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld. (Ảnh: politico.eu)
Chính phủ Hà Lan phản đối kế hoạch thành lập quân đội châu Âu: Ngày 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld cho biết chính phủ nước này phản đối kế hoạch thành lập quân đội châu Âu.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld cho rằng "tầm nhìn" của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thành lập quân đội châu Âu là "xa rời thực tiễn," do đó không chỉ riêng Chính phủ Hà Lan mà nhiều quốc gia khác cũng sẽ lên tiếng phản đối đề xuất này.
Bà Ank Bijleveld cũng nhấn mạnh Hà Lan sẽ chịu trách nhiệm việc triển khai quân đội của mình, và nếu cần thiết, quân đội Hà Lan có thể hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), song không phụ thuộc vào những tổ chức này.
Nghi can gửi bom thư Cesar Sayoc. (Ảnh: AP/TTXVN)
Nghi can gửi bom thư đến các chính khách Mỹ phủ nhận toàn bộ các cáo buộc: Ngày 15/11, nghi can Cesar Sayoc, đối tượng bị tình nghi gửi 16 bưu kiện chứa thiết bị nổ hồi tháng trước tới các chính khách, nhà tài trợ của đảng Dân chủ cũng như những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump, đã phủ nhận toàn bộ cáo buộc nhằm vào y.
Cơ quan chức năng đã cáo buộc 30 tội danh đối với Sayoc liên quan đến việc sử dụng email trái phép, sử dụng vũ khí giết người hàng loạt, vận chuyển thuốc nổ, đe dọa đến hệ thống thông tin liên lạc. Rất may không có bưu kiện nào phát nổ và hầu hết chưa đến tay người nhận.
Nếu bị kết tội, Sayoc có thể lĩnh án tù chung thân. Phiên tòa xét xử Sayoc đã được ấn định vào ngày 15/7/2019.
Ông chủ Wikileaks Assange. (Ảnh: NDTV)
Mỹ chuẩn bị truy tố ông chủ Wikileaks: Bộ Tư pháp Mỹ chuẩn bị truy tố Julian Assange và ngày càng tự tin rằng họ có thể buộc ông phải ra hầu toà ở Mỹ, Wall Street Journal ngày 15/11 dẫn nguồn tin giấu tên cho hay.
Các công tố viên Mỹ cũng xem xét việc công khai truy tố Assange nhằm khiến nhà chức trách Ecuador không tiếp tục cho phép ông tị nạn tại đại sứ quán nước này ở London. Hiện chưa rõ các cáo buộc mà Mỹ đưa ra với Assange, nhưng có thể liên quan đến Đạo luật gián điệp, trong đó quy định việc tiết lộ thông tin liên quan đến quốc phòng là phạm pháp.
Mỹ muốn truy tố và xét xử Assange về tội làm rò rỉ các tài liệu mật của nước này. Công tố viên đặc biệt Robert Mueller cũng được cho là miêu tả ông chủ Wikileaks là một "công cụ của tình báo của Nga" khi công bố hàng nghìn email do các hacker lấy được của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016.
Nuon Chea (trái) và Khieu Samphan tại Tòa án Khmer Đỏ ở ngoại ô Phnom Penh, Campuchia hôm nay. (Ảnh: Reuters)
2 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ lĩnh án chung thân vì tội diệt chủng: Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan, 87 tuổi và Nuon Chea, 92 tuổi, còn được gọi là "Anh Hai", ngày 16/11 bị Tòa án Khmer Đỏ (ECCC) của Campuchia kết tội diệt chủng với án tù chung thân, AFP đưa tin.
Đây là hai thủ lĩnh cao cấp nhất trong số những thành viên còn sống của Khmer Đỏ, chế độ nắm quyền tại Campuchia trong giai đoạn 1975-1979. Sự cai trị tàn bạo của "Anh Cả" Pol Pot đã khiến khoảng hai triệu người Campuchia thiệt mạng vì đói, làm việc quá sức hoặc hành quyết hàng loạt.